Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức”.
Toàn cảnh Tọa đàm
Theo đó, kết thúc quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ở phía tổng cầu, báo cáo chỉ rõ, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực là động lực tăng trưởng chính.
Báo cáo của VEPR về "Kinh tế quý III/2024: Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức", Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VERP cho rằng, kết thúc quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025.
Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khóa tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội, Khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024, Quốc hội sẽ xem xét tổng cộng 42 nội dung, bao gồm 30 nội dung liên quan đến công tác lập pháp và 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Do đó, báo cáo Kinh tế vĩ mô cùng với những kiến nghị chính sách được trình bày tại tọa đàm này được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách, qua đó đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế hiện nay.
Tại Phiên thảo luận chuyên đề các đại biểu tập trung thảo luận về chủ đề Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn. Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách thuế đến 2030 là đảm bảo cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững.
Trong đó, có sửa đổi căn bản các luật thuế và về thuế trực thu và thuế tiêu dùng như dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tới đây.
Sau 8 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất vào 2016, năm nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10/2024 và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vào tháng 5/2025. Đáng chú ý tại Dự thảo này, về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất quy định áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Đối với bia và rượu trên 20 độ: Phương án 1: Đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030. Phương án 2 : Đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.
Đối với rượu dưới 20 độ: Phương án 1: Đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026, và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2: Đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.
Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức” ngày 15/10/2024
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho biết các tác động kéo dài hậu COVID-19 và việc thực thi quyết liệt Nghị định 100 xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe khiến các doanh nghiệp rượu bia bị thiệt hại nặng nề. Năm 2020, thị trường tiêu thụ bia rượu giảm khoảng 30%. Gần đây, các xung đột địa chính trị thế giới kéo giá nguyên nhiên liệu, chi phí logistic tăng đột biến khiến doanh thu ngành bia rượu sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2023.
Việc tăng thuế buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm rất nhiều chi phí hoạt động trong khi ngành rượu vang, rượu mạnh đã và đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, còn thất thu ở khu vực sản xuất kinh doanh phi chính thức. Thuế hiện nay đang bỏ ngỏ những cơ sở sản xuất chưa đăng ký; người dùng mua dễ dàng mua rượu bất hợp pháp với giá cạnh tranh. Rượu hợp pháp chịu thuế suất cao, còn rượu bất hợp pháp không chịu thuế, Dù bán giá rất thấp so với rượu hợp pháp, song lợi nhuận vẫn rất cao.
Trong bối cảnh hiện nay, cần lựa chọn phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng bia rượu như thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ tác động khi sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn và có giải pháp tổng thể để đạt được mục tiêu chống lạm dụng đồ uống có cồn.
Hoàng Nhung/KTDU