Ngày 01/01/2024, tại Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua những ấn phẩm mới”.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/1/2024
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được phong hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1959, ông là một trong hai Đại tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1967, thời điểm chuẩn bị vào Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Đại tướng đột ngột qua đời.
Trung tá Nguyễn Chí Đức, đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát biểu
Tọa đàm là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024) - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà chỉ huy mưu lược, tài trí dũng cảm của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giới thiệu đến độc giả các ấn phẩm: "Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân); "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam" (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật). Hai cuốn sách này do Thượng tướng, GS, TS Nguyễn Chí Vịnh làm chủ biên. Cuốn sách thứ ba được giới thiệu tại Tọa đàm là Kỷ yếu "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam" do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Nhà xuất bản Quân đội phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, trong dịp này, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng giới thiệu tới độc giả sách Ebook multimedia "Đại tướng nông dân" (phát triển từ ấn bản năm 2017)...
Đại diện gia đình, Trung tá Nguyễn Chí Đức (con trai cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh) chia sẻ, cuốn sách như lời hứa của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, với mong muốn để độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ có thêm một góc nhìn khác, gần gũi hơn về những con người thuộc thời đại Hồ Chí Minh.
Các ấn phẩm mới về cuộc đời, con người, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện lịch sử Quân sự cho rằng, những câu chuyện trong từng trang ấn phẩm là câu chuyện sống động để lại cho hậu thế hiểu hơn về góc nhìn của một vĩ nhân rất đời thường. Ba ấn phẩm được xuất bản đã làm rõ hơn công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng, quê hương, đất nước. Đó là di sản của thế hệ vàng thời đại Hồ Chí Minh làm nên những cuộc trường chinh giải phóng dân tộc thắng lợi, để lại nền móng cơ bản xây dựng đất nước.
Đại tá Lê Thanh Bài khẳng định, các ấn phẩm được ra mắt đúng theo nguyện vọng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Không nhằm tô vẽ hình ảnh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà với mong muốn độc giả, đặc biệt là bạn trẻ có thêm góc nhìn khác, chân thực và gần gũi hơn về những con người thuộc thời đại Hồ Chí Minh”.
Quang cảnh tọa đàm
Còn với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Việt (Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân Dân), người thực hiện công việc chỉnh sửa cuối cùng trước khi xuất bản 2 ấn phẩm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh biên soạn. Ấn phẩm mới đã đưa tới góc nhìn riêng và mang hơi thở hoàn toàn mới trong rất nhiều ấn phẩm hàn lâm trước đó đã xuất bản. Tư duy không tô vẽ nhưng có câu chuyện cụ thể đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thế hệ trẻ về vị tướng tài ba của dân tộc.
Những cuốn sách này tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dưới góc độ khoa học lịch sử, những dòng hồi ức và cả những mẩu chuyện sinh động về một con người tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, luôn có mặt ở những trận địa nóng bỏng nhất của đất nước, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng một cuộc đời “sáng trong như ngọc”.
Việc kết nối đông đảo khách mời cùng chia sẻ là những bước đi đầu tiên để hướng tới việc hình thành sự kiện thường niên “Ngày ký ức lịch sử 1/1” (gọi tắt là “Ngày ký ức”) là dịp để các cá nhân, gia đình, dòng họ, các tổ chức và cộng đồng xã hội có cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, cùng chung tay gắn kết trong các hoạt động bảo quản, lưu giữ những tài liệu quý giá phục vụ tích cực cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu chính trị, văn hóa, lịch sử... của dân tộc.
Hoàng Nhung
Theo KTDU