Tối 20/1, tôi cũng ghé đốt nhang cho anh như thường lệ. Chính lần viếng thăm anh hôm ấy đã cho tôi cơ hội thuyết phục vợ anh - chị Trần Thị Thúy Liễu - đi đầu thú việc chính chị đã gây ra cái chết của chồng.
Là bạn thân của Hoàng Hùng, nhà tôi cách không xa nhà anh, vì vậy từ ngày anh mất cứ vài bữa tôi lại ghé đốt nhang thăm anh. Tối 20/1, tôi cũng ghé đốt nhang cho anh như thường lệ. Chính lần viếng thăm anh hôm ấy đã cho tôi cơ hội thuyết phục vợ anh - chị Trần Thị Thúy Liễu - đi đầu thú việc chính chị đã gây ra cái chết của chồng.
Đi công tác ở huyện Bến Lức cả buổi chiều, tôi về tới TP.Tân An lúc gần 8 giờ tối. Tôi tạt qua nhà Hoàng Hùng để đốt nhang cho anh theo thói quen từ mấy tuần qua. Tối hôm ấy nhà anh đông người chứ không đóng cửa không người như những ngày trước.
Ngoài chị Liễu và 2 con, còn có 2 người chị và mấy đứa cháu của chị. Biết tôi tới, chị đang nằm nghỉ ở nhà sau đã lên nhà trước tiếp tôi. Mặt chị bơ phờ, mắt đỏ hoe, chứng tỏ chị vừa mới khóc. Chưa kịp nói chuyện, chị đã có điện thoại.
Qua câu chuyện trên điện thoại, tôi đoán chị đang xin lỗi ai đó vì miếng đất chị đã bán mà còn đem thế chấp để vay ngân hàng. Chị hứa sẽ nhờ cha mình bán miếng đất còn lại của chị để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Tôi hỏi thăm sức khỏe của chị, xong xin phép đốt cho anh Hùng 3 cây nhang rồi cáo từ ra về.
Chị Liễu và 2 con trong đám tang chồng.
Tác giả xem sổ nợ của gia đình chị Liễu sau đám tang Hoàng Hùng.
Chị Trần Thị Thúy Liễu lúc khâm liệm chồng.
Khi tôi dắt xe ra khỏi cổng, chị Trần Thị Thúy Loan – chị kế của chị Liễu – đến ngăn xe tôi lại và nói nhỏ: “Anh ở lại một chút. Con Liễu đòi tự tử hồi chiều tới giờ”.
Chị Loan cho biết, từ chiều tới tối Liễu chỉ nằm vùi, không ăn uống, thỉnh thoảng kêu 2 con tới ôm khóc và nói: “Chắc mẹ chết quá!”. Có một lúc, Liễu kêu mọi người ra khỏi nhà và đóng cửa lại, còn lại một mình. Chị Loan đã van xin em mình mở cửa ra. Các chị và các cháu quây quần động viên, an ủi, nhưng Liễu cứ nằm bất động.
Tôi nói với chị Loan: “Tốt nhất gia đình nên báo với chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Ngoài ra, tôi có thể giúp được gì gia đình chị?”. Chị Loan trả lời: “Tụi tui nói thế nào nó cũng không nghe. Anh là nhà báo, lại bạn thân của Hoàng Hùng, có thể anh khuyên nó nghe. Anh cứ hỏi đại, nếu nó có lỡ đốt chồng thì khuyên nên đi đầu thú để được khoan hồng”. Tôi quay vào, đốt thêm cho Hoàng Hùng 1 nén nhang, rồi cùng chị Loan đến ngồi bên võng nơi Liễu đang nằm.
Tôi nói, mắt của chị nhắm nghiền, nhưng tôi biết là chị có nghe. Tôi khuyên đại ý: Nếu chị không làm nên tội thì hãy bình tĩnh đợi cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm, chứ nếu tự tử, mọi người sẽ nghĩ là chị giết chồng. Còn nếu chị lỡ làm chuyện đó, cách tốt nhất là nên đi đầu thú để được khoan hồng, pháp luật sẽ giảm nhẹ hình phạt, chị còn có ngày về với 2 con.
Rồi chị Loan tiếp lời, đại ý: Nếu Liễu có lỡ dại mà đi đầu thú sẽ tránh được tội chết, ở tù rồi cũng có ngày ra, các con ở nhà sẽ có các dì, có cơ quan và nhiều đồng nghiệp của Hoàng Hùng lo học hành đàng hoàng…
Tôi kể cho chị nghe những chuyện giết người mà tội phạm ra đầu thú, được giảm hình phạt, nay được về với gia đình… Chúng tôi cứ nói, chị cứ nằm im, nước mắt chảy dài. Chợt chị nói rất nhỏ, nhưng đủ để chúng tôi nghe: “Em có bị xử tử không?”. Tôi bàng hoàng, vậy là điều tôi và người thân của chị lo sợ nhất, không mong đợi nhất như đang thành hiện thực.
Tôi và chị Loan đã không mất thêm nhiều thời gian để giải thích chính sách khoan hồng của pháp luật và thuyết phục chị Liễu dậy thay đồ đi đến Cơ quan CSĐT. Chị ôm 2 con thật chặt vào lòng, cả 3 mẹ con, cả nhà, và cả tôi đều khóc…Bước ngang bàn thờ chồng, chị đứng tần ngần, còn tôi vì quá xúc động mà quên bảo chị làm 1 việc: Đốt nhang cho chồng trước khi đi đầu thú.
Chị nhờ tôi chở đến nhà người chị thứ hai, người từ lâu như là mẹ nuôi của các con chị, để chị gửi gắm hai con. Các chị em, con cháu, cả gia đình lớn của chị (sống quây quần quanh đó) hay chuyện đã tập trung đầy đủ đến nhà người chị lớn.
Một cuộc tiễn đưa đầy nước mắt! Lời cuối cùng chị dành cho 2 con: “Hãy tha thứ cho mẹ, nếu thương mẹ hãy nghe lời mấy dì, học hành cho tốt, lâu lâu tới thăm mẹ…”. Tôi chở chị đi bằng xe gắn máy, chị Loan ngồi sau ôm chặt em mình, vì sợ Liễu quẫn trí mà nhào xuống đường.
Gần tới nơi cần đến, tôi điện thoại cho Thượng tá Phạm Văn Tiến – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH – báo chị Liễu đang đến đầu thú. Những người có trách nhiệm đã tiếp chị ân cần, lịch sự. Chị Loan được cho dự cuộc lấy lời khai ngay sau đó, còn tôi ngồi ở bàn tiếp khách với các cán bộ trực đêm.
Đồng hồ trên tay tôi chỉ 21h30. Về nhà, gửi tin ngắn cho tòa soạn, tôi và bạn đồng nghiệp báo SGGP hẹn ra quán cà phê nơi chúng tôi vẫn hay ngồi với Hoàng Hùng. Chúng tôi yên lặng, chỉ lắc đầu, tôi thì liên tục hút thuốc.
Hồi lâu, anh bạn đồng nghiệp mới mở miệng nói câu đầu tiên: “Rồi 2 đứa nhỏ sẽ ra sao!?”.
Theo Kỳ Quan/Lao động