Đức Phật dạy không tham sân si, người ta vẫn chen nhau lên chùa cầu tiền cầu lộc, đức Phật cũng day “chớ có sát sinh”, năm mới triệu triệu con người vẫn kéo tới cổng chùa...ăn thịt thú rừng.
Đức Phật dạy không tham sân si, người ta vẫn chen nhau lên chùa cầu tiền cầu lộc, đức Phật cũng day “chớ có sát sinh”, năm mới triệu triệu con người vẫn kéo tới cổng chùa...ăn thịt thú rừng.
Chen nhau leo lên đất Phật
Người đi chùa giành nhau từng centimet để đứng lễ
Phải công nhận là tới được “non thiêng Yên Tử”, dù bỏ tiền ra mua mấy chặng cáp treo, những người thành phố chẳng mấy leo trèo như tôi cũng mệt “phờ râu trê”.
Đã mấy lần tôi muốn quay xuống vì nản và mệt nhưng mà sợ “phải tội” vả lại cũng chẳng chen được xuống với cả vạn người đang hùng hục tiến lên ở phía dưới núi. Thế nên tôi lại cặm cụi leo lên.
Mấy người bạn phía đằng sau thì luôn miệng khích lệ "chỉ tẹo nữa là tới thôi ấy mà”, thế mà bao nhiêu cái “tẹo” đã qua, tôi vẫn thấy mình ở lưng chừng núi, giữa cả vạn người leo lên, leo xuống.
Mà quái lạ thật đấy, rõ ràng có cả đường xuống lẫn đường lên, người ta cứ nô nức “xuống” bằng đường “lên” và làm ra những đoạn ách tắc vô lý. Có những người miệng thì la hét thất thanh “đừng có đẩy nhé, vô duyên thế” và tay thì cứ đẩy tôi túi bụi.May mà tôi bám chắc vào đá chứ không tôi chẳng có ai đằng trước mà đẩy với họ, chỉ có nước lao đầu xuống khoảng không.
Dù bị người sau đẩy, người trước xô và không biết đã vô tình húc vào bao nhiêu người, cuối cùng tôi cũng lên tới đỉnh Yên Tử và tìm cho mình một khoảng đủ chạm hai chân xuống đất mà khấn, vái. Trong cái không gian chật hẹp ấy, thú thật là tôi đã xin đức Phật cho chúng tôi không bị cái đám đông đang xô đẩy nhau để kiếm chỗ mà ken chân khấn vái kia, chen cho bẹp ruột.
Đất Phật vốn yên bình là thế, mà sao khi đặt chân xuống núi để chuẩn bị về, tôi mới thấy mình an toàn, cảm giác thoát khỏi đám đông chen lấn đáng sợ kia mới khiến tôi hạnh phúc hơn nhiều lúc tôi lên được núi.
Sát sinh chốn cửa chùa
Sau vụ đi Yên Tử, tôi đã sợ đi chùa mùa lễ hội lắm rồi, thế nhưng chẳng hiểu bạn bè lôi kéo thế nào mà tuần tiếp theo tôi lại hớn hở có mặt ở chùa Hương. Đoạn đi thuyền qua suối Yến thanh bình và thơ mộng đến lạ kỳ với sắc hoa gạo đỏ rực hai bên suối khác hẳn với cảnh nhộn nhạo trên bờ.
Những hươu, nai, hoẵng bị xẻ thịt treo lủng lẳng khắp dãy quán ven đường, tiếng mời chào mua bán làm xôn xao cả quãng đường suối Yến từ tới Thiên Trù.
Một quán bán thịt thú rừng ở chùa Hương
Mấy người bạn nước ngoài đi cùng tôi ghé tai thắc mắc "tưởng người Việt Nam theo đạo Phật chứ”? Tôi gật đầu không đắn đo, còn ra điều kẻ cả “không theo Phật thì chúng tao đi lễ làm gì”. Bạn lại thắc mắc: "Vậy sao người ta lại bán thịt sống ở đây, và tại sao nhiều người mua thế này”.
Lúc này tôi mới ngớ người ra và thầm trách cái sự bộp chộp đã tự nhận mình theo đạo Phật. Gì thì nói chứ người bạn nước ngoài kia nói đúng. Phật đã dạy không được sát sinh, cớ sao thiên hạ cứ ngang nhiên giết thịt, rồi kinh doanh thịt sống trước cổng chùa? Thế chẳng phải là “tội” hay sao?
Nói đi lại nói lại, cũng giống như thiên hạ, tôi cũng hăm hở “trèo đèo lội suối" đi lễ chùa, hăm hở đủ điều xin xỏ, hết xin lộc đến tiền mà quên rằng Phật dạy "chớ tham, sân, si”
Nghĩ thế thôi, chứ là người Việt Nam, tôi cũng hay làm theo số đông lắm. Thấy người ta khấn, tôi cũng khấn, thấy người ta xin, tôi cũng xin. Nếu không tôi lại sợ thiệt ấy mà. Có điều muốn xin, muốn khấn gì thì tôi cũng sợ lắm cái cảnh chen chúc và nhộn nhạo lắm rồi. Tuần này, lại có người rủ tôi đi chùa nào nổi tiếng ở tận Lạng Sơn, nhưng tôi đành kiếu. Chắc khi nào tâm tĩnh hơn, sức bền hơn tôi mới nghĩ tới chuyện hành hương mùa lễ hội.
Hương Trà
Theo Infonet