Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm, sản xuất tăng chậm, tồn kho lớn nhưng các chuyên gia của Tổng Cục Thống kê vẫn cho rằng, chưa lo kinh tế trì trệ.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm, sản xuất tăng chậm, tồn kho lớn nhưng các chuyên gia của Tổng Cục Thống kê vẫn cho rằng, chưa lo kinh tế trì trệ.
CPI với chu kỳ 2 tăng một giảm
CPI tháng 6 giảm 0,26%. Chỉ số này ba tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần. Đây là tháng đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Trong 9 năm qua, đây là lần đầu tiên CPI tháng 6 giảm so với tháng trước.
Với diễn biến tích cực này, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ giá cả thị trường của Tổng Cục Thống kê cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát của ta đã đạt được.
Năm nay, con số dự báo CPI cũng ở khả năng từ 6-7%. Tuy nhiên, sang tháng 7, tổ điều hành thị trường dự báo tháng 7 CPI tăng 0,1%.
Ông Thắng nói: “Chúng tôi thấy có nhiều yếu tố đáng chú ý. Ở quý I, nguyên vật liệu tăng, xăng dầu tăng, viện phí, học phí tăng, tăng lương. Nhưng nhu cầu lại xuống rất thấp, sức tiêu thụ hàng hóa kém. Từ cuối tháng 4, giá xăng dầu thế giới giảm nên kéo theo giá trong nước giảm. Những yếu tố gây giảm giá có ưu thế hơn, nên có thể giá cả những tháng tới sẽ tiếp tục giảm”.
Tuy nhiên, nhưng những tháng cuối năm, giá cả sẽ nhích lên, ông Thắng khẳng định. Theo ông nói: “Chúng ta cố gắng tránh chu kỳ gần đây là cứ 2 năm CPI tăng lên, 1 năm giảm xuống. Trước đó, năm 2007-2008 tăng lên, năm 2009 giảm xuống. Nay năm 2012 giảm thì nếu theo chu kỳ này, năm sau 2013 lại có thể tăng lên. Cần phải tránh chu kỳ này.
Nhấn manh một lần nữa về nỗi lo giảm phát, ông Thắng cho rằng, CPI thấp, giảm như vậy là tín hiệu tốt, không lo ngại giảm phát.
DN nội suy kiệt
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước,
Trong khi đó, nhập khẩu đã giảm tốc mạnh, chỉ đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ sau năm 2009 là năm suy giảm kinh tế đến nay.
Diễn biến này đã kéo theo nhập siêu giảm thấp kỷ lục, trong nửa đầu năm chỉ ở mức 685 triệu USD, bằng 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, nhập siêu cùng kỳ năm trước là 6,7 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là mức nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý, ở nhiều ngành hàng, tăng trưởng xuất khẩu đều tập trung chính là của khu vực FDI, như điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, hàng dệt may... Có mặt hàng, FDI xuất khẩu chiếm tỷ trọng tới 60-70% như giày dép.., có mặt hàng tỷ trọng của FDI là gần 100% như điện tử. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực này đóng góp 20,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 1,8 điểm phần trăm.
Đồng điệu với xu hướng này, nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước giảm mạnh tới 8,2%. Riêng khu vực FDI vẫn nhập khẩu tăng tới tăng 26,1%.
Ngay cả con số nhập siêu giảm cũng chưa hẳn đáng mừng. Bà Thủy cho biết, cơ cấu thị trường nhập khẩu vẫn không thay đổi. Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, trong 6 tháng nhập tới 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Vốn dĩ Việt Nam vẫn là nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, với đa phần nguyên vật liệu, thiết bị máy móc cho sản xuất đều là nhập khẩu. Do vậy, nhập siêu thấp còn là tín hiệu cho thấy sản xuất suy giảm mạnh nên nhu cầu đầu vào mới giảm hoặc không tăng.
Tồn kho cao, nhưng chưa lo đình trệ
Ông Phạm Đức Thúy, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Tổng Cục Thống kê cho hay, hiện, công nghiệp Việt Nam chiếm 34% GDP. Trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp tăng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 chỉ tăng 2% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, theo ông Thúy, quý II, tình hình sản xuất công nghiệp có vẻ tích cực hơn, dự kiến sẽ tăng 8% so với cùng kỳ các năm trước.
Lý giải về kỳ vọng này, ông Thúy cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó có giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, vốn kích cầu sản phẩm công nghiệp.
Điều đáng lo ngại nhất là vấn đề tồn kho cao, tiêu thụ chậm. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của cùng kỳ năm trước. Do tiêu thụ chậm nên tồn kho cao. Tại thời điểm 01/6/2012, tồn kho ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước, trong khi tại thời điểm năm trước là 15,9%.
Tuy nhiên, ông Thúy vẫn cho rằng đang có những tín hiệu tích cực như hàng hoá tồn kho đã giảm so với các tháng trước, tháng 3 là 34,9%; tháng 4 là 32,1%; tháng 5 là 29,4% và tháng6 là 26%.
Điều này có nghĩa, tiêu thụ sản phẩm bắt đầu tốt hơn, DN tích được vốn cho sản xuất. Con số này cũng liên quan tới tình trạng các doanh nghiệp gần đây phá sản rất nhiều, do lượng tiêu thụ hàng hóa thấp, dẫn tới sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Đánh giá chung về tăng trưởng kinh tế, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Đỗ Thức vẫn bày tỏ sự lạc quan. Ông cho rằng, không đến mức lo ngại nền kinh tế đang rơi vào trầm lắng, trì trệ. Chưa có gì lo ngại giảm phát vì giảm phát phải là diễn ra liên tục nhiều tháng, nhiều kỳ. Ta mới có một tháng giảm CPI trong khi trước đó, chỉ số CPI cao lâu rồi, nay mới giảm chút xíu.
“Vấn đề là liều lượng chính sách sao cho phù hợp hơn. Tốc độ tăng trưởng phù hợp với tăng giá hài hoà. Quan điểm của Tổng cục vẫn là phải triệt để thi hành chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, có linh hoạt. Làm sao để nền kinh tế, doanh nghiệp bớt khó khăn nhưng giá không tăng gây tái lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán tăng gấp đôi GDP, nguy cơ lạm phát vẫn cao”, ông Thức nói.
Dự báo của Vụ Tài khoản quốc gia- tài chính tiền tệ cho biết, năm nay, Việt Nam có đạt tăng trưởng kinh tế 6%. Theo hai kịch bản, nếu GDP cả năm tăng 6% thì 6 tháng cuối năm còn đạt GDP 7,26%. Nếu kịch bản là GDP cả năm tăng 6,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt, GDP phải đạt 8,18%.
Nhìn vào số liệu hiên nay, khả năng GDP đạt 6-6,5% sẽ lại cần một cơ chế chính sách lớn hơn.
Phạm Huyền
Theo Vietnamnet