Khẳng định số ngày nghỉ lễ, tết trong năm vẫn còn thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ lễ, tết
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bổ sung thêm ít nhất 3 ngày nghỉ trong năm cho người lao động vì số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực- Ảnh: Văn Duẩn
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết theo số liệu khảo sát của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực.
Cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/ tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác; chỉ ít hơn hai nước là Kennya và Seychelles (trên 48 giờ/tuần).
Về giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế), Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới. Theo ông Quảng, số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2.250 – 2.500) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Banglades.
Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (có 01 nước chưa có dữ liệu là Brunei)
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam có số giờ làm việc thực tế cao thứ hai sau Campuchia (có 3 nước chưa có dữ liệu là Miama, Lào, Brunei)
Đặc biệt, Trung Quốc là đất nước có tương đồng về chế độ chính trị với Việt Nam nhưng hiện nay, số làm việc bình thường là 40h/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày.
Về thời gian nghỉ phép, vị đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.
Về ngày nghỉ lễ, hiện nay số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực: Camphuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.
"Điều 3 Công ước Công ước số 132 về nghỉ phép hàng năm, quy định mọi người được áp dụng Công ước này đều có quyền được nghỉ hàng năm có hưởng lương trong một thời gian tối thiểu nhất định.Trong bất kỳ trường hợp nào thời gian nghỉ cũng không dưới 3 tuần làm việc cho một năm làm việc"- ông Lê Đình Quảng nói.
Chính vì những căn cứ nêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm, bởi với số ngày nghỉ lễ, tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 03 ngày nghỉ là cần thiết. Do đó Tổng Liên đoàn đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ ngày 2 đến 5-9 hàng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học).
Phương án 2: Nghỉ 01 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 02 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.
"Việc tăng thêm 03 ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động có thêm một số ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển"- ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Văn Duẩn
Theo Nguoilaodong