Sự kiện hot
5 tháng trước

Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong năm 2024

Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, công nghệ thông tin - viễn thông tiếp tục dẫn đầu Top 3 ngành sản xuất kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong năm 2024.

Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, công bố cùng với BXH VNR500 gần đây, Top 3 ngành sản xuất kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao nhất trong 12 tháng tới là:

  1. Công nghệ thông tin - viễn thông
  2. Điện - năng lượng
  3. Tài chính - ngân hàng

Công nghệ thông tin - viễn thông

Công nghệ thông tin - viễn thông tiếp tục được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong năm 2024. Động lực đến từ nhu cầu ngày càng cao từ cả thị trường nội địa lẫn các thị trường nước ngoài khi tình hình kinh tế toàn cầu được dự báo dần phục hồi trong năm tới, cũng như làn sóng chuyển đổi số và xu hướng phát triển mạng 4G, 5G ngày càng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, từ đầu năm tới nay, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử ước đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng (gần 95,8 tỷ USD), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do mảng xuất khẩu phần mềm duy trì kết quả tích cực song xuất khẩu phần cứng điện tử suy giảm.

Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định và ngành này vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Điện - năng lượng

Thị trường phân phối xăng dầu trong nước đã trở lại hoạt động bình thường sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt trong năm nay đã xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia.

Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện, giải ngân nhanh chóng các gói đầu tư công về năng lượng, dầu khí. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành Điện – Năng lượng thời gian tới.

Tài chính - ngân hàng

Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và hiện tại lãi suất huy động đã về tương đương giai đoạn 2021. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng tương đối chậm trong bối cảnh khó khăn chi phối hầu hết các ngành trong năm 2023, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận định rằng tình hình của ngành này vẫn có thể đi theo hướng tích cực trong năm tới theo đà phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Việc tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu trong 2023 sẽ giảm bớt áp lực chi phí tín dụng trong 2024 cũng như khả năng lợi nhuận từ thu hồi nợ tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ NIM hay biên lãi dòng để đo lường hiệu quả và khả năng sinh lời của nhóm ngành này đang cho thấy có dư địa phục hồi khi môi trường lãi suất thấp được dự báo duy trì sang năm 2024, qua đó giúp kết quả kinh doanh của ngành trong 12 tháng tới khởi sắc hơn.

Khả năng thích nghi là yếu tố then chốt

Ông Vũ Đăng Vinh, giám đốc công ty cổ phần Vietnam Report, ghi nhận, năm 2023 là một năm đầy thử thách để kiểm chứng sức bền của các doanh nghiệp.

Hướng tới năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra là 6-6,5%, các doanh nghiệp đứng trước thời điểm để phục hồi và đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện.

Những nỗ lực kiên trì và khả năng thích nghi là yếu tố then chốt doanh nghiệp đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, bền vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đồng thời sẽ là nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp trong năm 2024, khi tình hình kinh tế dự kiến nhiều khả năng đi theo hướng tích cực hơn và môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo đà vững chắc cho sự thành công lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bảo Anh 

Theo KTDU

Từ khóa: