Sự kiện hot
12 tháng trước

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam

Ngành công nghiệp thép là một trong những lĩnh vực nóng hổi nhất trên thị trường hiện nay. Vì thế, sự xuất hiện liên tục của các công ty mới trong ngành thép là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với vô vàn lựa chọn trên thị trường, làm thế nào để lựa chọn được những công ty sản xuất sắt thép uy tín và chất lượng nhất? Hãy cùng tìm hiểu về các công ty hàng đầu trong ngành sản xuất sắt thép tại Việt Nam.

1. CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Ban đầu là công ty chuyên kinh doanh máy xây dựng được thành lập từ năm 1992. Sau đó, công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác như nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.

Tập đoàn Hòa Phát chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam về thép xây dựng và ống thép. Vốn hóa thị trường của HPG đạt 11 tỷ USD, lọt vào top 15 công ty thép có vốn hóa lớn nhất ngành thép thế giới.

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam - Ảnh 1

Năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng, giảm lần lượt 5% và 76% so với năm 2021. Hòa Phát cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép bao gồm phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 7% so với năm 2021.

Đóng góp chính cho sản lượng tiêu thụ là thép xây dựng và HRC. Thép xây dựng đạt 4,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ và đóng góp 59% trong tổng sản lượng thép các loại.

Sản phẩm ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng tăng khoảng 11% so với năm 2021.

2. Tập đoàn Hoa Sen (HSG)

Hoa Sen chuyên gia công, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thép. Công ty được thành lập ngày 08 tháng 08 năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Sau một thời gian dài xây dựng và phát triển, công ty đã có những bước đi vững chắc để trở thành doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép hàng đầu tại thị trường Việt Nam.

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam - Ảnh 2

Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 4.446.252.130.000 đồng. Công ty hiện chiếm 33,1% thị phần tôn và 20,3% thị phần ống thép theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam. 

Kết thúc niên độ tài chính 2021 - 2022, sản lượng bán hàng của HSG đạt 1.819.009 tấn, hoàn thành 91% kế hoạch. Doanh thu đạt 49.711 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 251 tỷ đồng, hoàn thành 17% kế hoạch.

3. Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG)

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim được thành lập ngày 23/12/2002. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất tôn mạ kẽm hàng đầu Việt Nam, Thép Nam Kim luôn tiên phong trong việc đầu tư công nghệ nhằm cung cấp những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất.

Năm 2022, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu 23.071,25 tỷ đồng, giảm 18,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế âm 124,68 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 15,2% xuống 6,4%. 

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam - Ảnh 3

Trong năm 2023, Thép Nam Kim đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với kết quả năm 2022 và lợi nhuận trước thuế dự kiến ​​400 tỷ đồng.

4. Công ty Cổ phần Thép Pomina

Thành lập năm 1999, Pomina là chuỗi ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất hàng năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi thép. Hiện nay, Pomina là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn và hiện đại nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thép xây dựng khu vực phía Nam.

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam - Ảnh 4

Năm 2022, Thép Pomina lãi 12.963,7 tỷ đồng, giảm 7,5%; lỗ sau thuế 1.167,6 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 238,8 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của POM đạt 11.028,7 tỷ đồng, giảm 26,4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 36% với 3.992 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 51,3% xuống 202,3 tỷ đồng; phải thu khách hàng ngắn hạn giảm 9% xuống 1.552 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 74% xuống 1.235,5 tỷ đồng. 

Nợ phải trả giảm 24,6% xuống 8.510 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 7.722 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn giảm 25,5%; nợ dài hạn giảm 41,4% xuống 788,3 tỷ đồng.

5. CTCP Gang thép Thái Nguyên

CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được thành lập năm 2009, tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên thành lập năm 1959. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Tisco đã không ngừng lớn mạnh.

Năng lực sản xuất thép cán hiện tại của công ty là 650.000 tấn/năm, mang lại doanh thu bình quân hàng năm trên 8.000 tỷ đồng.

Top 5 công ty sản xuất thép lớn nhất hiện nay tại Việt Nam - Ảnh 5

Năm 2022, công ty ghi nhận 11.697 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 9 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 122 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, doanh nghiệp thép này mới hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 7% kế hoạch lợi nhuận. 

Ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Tisco ở mức 10.184 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm 59% so với đầu năm xuống 105 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 23% so với cùng kỳ lên 1.760 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu vốn, doanh nghiệp thép này vay nợ ngắn hạn rất cao. Nợ ngắn hạn lên tới 5.821 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn hơn 2.404 tỷ đồng khiến vốn lưu động âm hơn 3.400 tỷ đồng.

Bảo Anh

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: