Sự kiện hot
10 năm trước

TP.HCM đưa hàng bình ổn đến công nhân, người dân ngoại thành

(ĐS&TD) - Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả sản phẩm mà còn chú trọng đến việc đem hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng sốt hàng cục bộ, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch bán hàng lưu động.


Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị

Với lượng cung ứng hàng hóa dồi dào từ doanh nghiệp, người tiêu dùng tại TP.HCM sẽ dễ dàng hơn trong việc mua sắm chào đón Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, đây là năm thứ hai, thành phố không thực hiện việc cung ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp trong chương trình bình ổn vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa. Dù vậy, các doanh nghiệp rất chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa dồi dào cung ứng cho thành phố như doanh nghiệp: Ba Huân, Vissan...

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, công ty sẽ phối hợp với các địa phương, kịp thời phát hiện những nơi “hút” hàng để tổ chức bán hàng lưu động, tránh tình trạng sốt hàng cục bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV hệ thống Co.opMart cho biết, để chuẩn bị cho chương trình bình ổn thị trường và Tết sắp tới, hệ thống Co.opMart và mạng lưới bán lẻ của siêu thị trên 37 tỉnh, thành đã chuẩn bị khẩn trương việc thực hiện theo chủ trương của thành phố.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) công bố, công ty đã chuẩn bị 670 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa, đồng thời đưa ra thị trường khoảng 46.000 con heo, 2.000 con bò và trên 4.000 tấn sản phẩm khác chế biến từ thịt heo cung ứng thị trường Tết Ất Mùi 2015. Hiện nay, công ty dự trữ hàng Tết đạt trên 80% và sẽ hoàn thành kết hoạch 100% trước Tết Nguyên đán.

Vissan cũng có kế hoạch phối hợp với các hệ thống siêu thị thực hiện chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến, giảm giá, các mặt hàng tươi sống những ngày cận Tết. Đồng thời, tăng cường các chuyến bán hàng tại vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp người dân mua được những mặt hàng có chất lượng, phù hợp với thu nhập.

Được biết, theo thống kê tại TP.HCM, xu hướng tiêu dùng của người dân sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước ngày một tăng cao. Tỷ lệ sử dụng hàng Việt đạt hơn 75%, có đến 80% hàng hóa bày bán ở chợ truyền thống là hàng Việt Nam, tỷ lệ này ở một số siêu thị đạt từ 90 - 95%.

Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia, điểm bán hàng được tăng lên nhanh chóng, hàng hóa được đưa về các khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực đưa hàng Việt đến tay người dân cũng như công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Anh Trinh

Từ khóa: