Sự kiện hot
7 tháng trước

TP Sầm Sơn: Những bước tiến trong Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 176-QĐ/TU, công tác phát triển ngành thủy sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm phát triển ngành thủy sản. Nguồn Internet.

Quyết định số 176-QĐ/TU, ngày 30-6-2021 về Chương trình phát triển thủy sản TP Sầm Sơn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là phát triển bền vững ngành thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái gắn với du lịch; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân; đồng thời góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh trên các vùng biển.

Đến nay, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản luôn duy trì ổn định, trung bình giai đoạn 2021-2023 đạt 25.841 tấn/năm (dự kiến đến năm 2025 sản lượng đạt từ 24.000 tấn, đạt mục tiêu Chương trình đề ra).

Về phương tiện khai thác, tính đến tháng 6-2023, thành phố có tổng số 1.644 tàu khai thác thủy sản. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 24 tổ đoàn kết trên biển, bảo đảm 100% tàu cá xa bờ tham gia tổ đoàn kết. Ngoài ra, các đơn vị đang xây dựng mô hình nuôi cua lột trong lồng tại phường Quảng Cư theo quy trình công nghệ cao.

Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nâng cấp Cảng cá Lạch Hới, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 262 tỷ đồng; sẽ nâng cấp cảng Lạch Hới trở thành cảng cá loại I, đáp ứng 120 lượt/ngày; quy mô neo đậu 1.000 tàu; công suất bến cá, cảng cá đạt 25.000 tấn/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 10 bến bãi neo đậu tàu thuyền, bốc dỡ hàng hóa tại các phường Trung Sơn, Quảng Cư, Quảng Hùng, Quảng Châu, Quảng Đại, Trường Sơn, Quảng Vinh. Đồng thời, thành phố đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phường Quảng Châu, phường Quảng Thọ nhằm kết nối, triển khai phát triển tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” và các tuyến du lịch khác trên biển; nghiên cứu xây dựng các hoạt động thủy sản gắn với du lịch như trải nghiệm cùng ngư dân, tham quan mô hình sản xuất thủy sản...

Cùng với tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Công tác nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phòng, chống dịch bệnh thủy sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt trên toàn địa bàn hiện là 75,3 ha; trong đó diện tích NTTS tập trung ở khu vực ngoại đê và diện tích nuôi nội đê phân tán, trong ao nuôi hộ gia đình. Điển hình là các mô hình nuôi ốc nhồi, cá chép V1, tôm càng xanh tại xã Quảng Minh; mô hình nuôi cá - lúa tại xã Quảng Minh, Quảng Hùng (Quảng Hùng 20 ha, Quảng Minh 12 ha)...

TP Sầm Sơn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, cán bộ quản lý và các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản.

Hiện trên địa bàn thành phố có 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản thủy sản. Có 1 doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản bước đầu đang thực hiện việc chế biến các loại thủy sản xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản như tôm, mực... Cùng với đó là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất truyền thống tại hộ gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm như nước mắm, các sản phẩm dạng mắm và hải sản khô. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có Cụm công nghiệp làng nghề Quảng Châu - Quảng Thọ đang được triển khai thực hiện, nhằm thu hút các cơ sở chế biến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TP Sầm Sơn đã xây dựng 2 sản phẩm OCOP hải sản và được công nhận 3 sao là nước mắm cá trích Bông Sen và chả mực Phước Thịnh. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho 5 sản phẩm từ thủy sản, gồm nước mắm cá nục, mắm chua, moi khô, sứa và tôm nõn tươi.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, TP Sầm Sơn đang bước vào thực hiện các mục tiêu trên trong bối cảnh nhiều thách thức. Trong đó, ngư trường khai thác thủy sản dần bị hạn hẹp do Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc đã hết hiệu lực. Giá xăng dầu tăng cao trong khi giá sản phẩm khai thác không tăng dẫn đến hiệu quả khai thác thấp. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, sản phẩm thu hoạch có giá trị kinh tế không cao. Tình trạng sử dụng ngư cụ kết hợp xung kích điện trái quy định, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng quy định trong giấy phép khai thác còn diễn ra ở nhiều nơi trên vùng biển.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và trên tinh thần nhìn thẳng vào những mặt còn tồn tại, hạn chế, thời gian tới, TP Sầm Sơn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, cán bộ quản lý và các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản.

Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản vùng ven biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu phương tiện khai thác ven bờ, định hướng phát triển phương tiện xa bờ.

Hoài Thanh

Theo  KT&ĐU

Từ khóa: