Nhắc đến trà sen Tây Hồ là nhắc đến niềm tự hào, nét đặc trưng trong văn hóa thưởng thức trà của người Hà Nội. Khi những búp sen hồng bắt đầu nở rộ cũng là lúc những người làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu vào mùa. Với người dân nơi đây, làm trà không hẳn vì lợi nhuận kinh tế mà họ muốn lưu giữ nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa tinh tế tự bao đời.
Giữa những tháng 6 oi ả, Thủ đô vẫn có một góc nhỏ thơ mộng và thanh tao. Hồ Tây - nơi mà nhiều người muốn tìm đến vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn để quên đi những bận rộn thường ngày, để ngắm nhìn những nụ sen hồng chớm nở, đắm mình trong hương sen thơm ngát, cùng đó là nhẩn nha nhấp chén trà ướp hoa sen thơm dịu.
Tháng 6 khi sen hồng bắt đầu nở rộ tại các đầm ở Hồ Tây cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen trứ danh Bách Diệp tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật vào vụ mùa mới. Trà sen Tây Hồ ướp tưởng như đơn giản nhưng để có được những bông trà đượm hương hoa sen mà vẫn giữ vị trà thuần khiết đòi hỏi sự kỳ công, tinh tế.
Những búp sen được hái vào buổi sáng sớm khi chúng mới nở hoa, mang đến hương thơm tinh khiết và ngọt ngào nhất. Sau khi được hái, những người dân nơi đây sẽ cẩn thận để chọn ra những búp sen tươi ngon nhất. Sau đó, búp sen sẽ được tẩm ướp trong trà xanh nguyên chất, giúp hòa quyện hương vị của sen và trà một cách hoàn hảo. Quá trình này không chỉ tạo ra hương vị đặc biệt mà còn giữ được màu sắc và hình dáng tự nhiên của sen.
Cụ Nguyễn Thị Tâm (96 tuổi, ở quận Tây Hồ) chia sẻ, gia đình có nghề truyền thống ướp trà sen từ lâu đời, đến nay cụ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc ướp trà sen và hướng dẫn các thế hệ con cháu tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
“Mọi công đoạn ướp trà sen đều được làm thủ công hoàn toàn. Để ra được thức trà đặc biệt này phải cần qua 7 lần ủ gạo sen và sấy. Cứ một lớp trà rồi đến một lớp mỏng gạo sen” - cụ Nguyễn Thị Tâm bật mí.
Cũng theo chia sẻ của nghệ nhân ướp sen Ngô Thị Thân, nghệ nhân làm nghề ướp trà sen hơn nửa thế kỷ, trà sen ướp truyền thống nơi đây sử dụng trà xanh Tân Cương của vùng đất chè Thái Nguyên, rồi đem ướp với dòng hoa sen Bách Diệp được trồng ở Hồ Tây cho ra một hương vị trà rất đặc biệt, đặc trưng mà không nơi nào có được.
“Từ bé tôi đã biết làm ướp trà sen từ năm 9-10 tuổi do ở trong gia đình từ bà, mẹ anh chị em đều làm sen. Trà sen Tây Hồ vượt trội hơn nơi khác vì nó có hương vị đặc trưng, đặc biệt không nơi nào có được. Ngoài ra để làm một cân chè cũng rất công phu, phải mất 1.000 bông sen chia làm 5 lần ướp, rồi đợi trà ngấm với gạo sen rồi đi sấy, tổng thời gian phải tốn khoảng 15 ngày,” bà Thân cho hay.
“Cứ một lượt gạo sen rồi lại ủ với một lớp chè, làm đi làm lại cho đến khi hết thì thôi. Sau đó mang đi sấy cho khô, sàng gạo ra rồi cho gạo sen mới vào. Cứ lặp đi lặp lại 5 lần, nếu chưa thơm thì 6 lần. Gạo sen mình lấy thật nhanh không nó sẽ bị nát gạo,mình làm xong cho vào trà ủ luôn sẽ giữ được nhiều mùi thơm hơn,” bà Thân chia sẻ thêm.
Không chỉ tỉ mỉ, công phu trong cách chế biến mà uống trà sen cũng rất cầu kỳ. Để pha trà sen, các cụ xưa thường dùng nước mưa hay nước sương sớm đọng trên lá sen. Ngày nay, nhiều người dùng nước máy để nơi thoáng mát chừng một ngày đêm cho nước hả hơi rồi đun nước pha trà. Nước pha trà phải hơi lăn tăn, ấm pha trà phải ấm sứ mới ngon. Trà sen ướp đúng kiểu, pha đúng cách sẽ có được vị ngọt, chát thanh dịu và hương sen đậm dần.
Chia sẻ về bí quyết để tạo ra những ấm trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, bà Lưu Thị Hiền (vợ của nghệ nhân Ngô Văn Xiêm người ướp trà sen số 1 Hà thành) cho biết: “Nghề ướp trà sen khô rất kỳ công, vất vả, không phải ai cũng làm được. Đòi hỏi người làm phải có tâm, yêu nghề chứ không thể chạy theo lợi nhuận kinh tế. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy. Chúng tôi làm trà sen hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Trong đó về nguồn trà của gia đình chỉ lấy từ vùng Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên”.
Với mỗi ngụm trà sen Tây Hồ, người thưởng thức không chỉ được tận hưởng hương vị tinh tế và độc đáo mà còn cảm nhận được sự kỳ diệu của văn hóa và thiên nhiên Việt Nam. Trà sen Tây Hồ không chỉ là một loại thức uống mà còn là biểu tượng của sự tinh túy và tinh tế trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.
PHI LONG
Theo KTĐU