Vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm, người dân tại huyện miền núi Hương Sơn lại bước vào mùa thu hoạch trám đen.
Thời điểm này, các xã ở huyện Hương Sơn đang hối hả vào vụ thu hoạch trám đen, có nhiều hộ gia đình thu hàng chục triệu đồng. Cây trám đen được trồng tập trung nhiều tại các xã như: Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Bằng... huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), trám đen dễ trồng, thích hợp với khu vực đồi núi, nên được xem là cây phát triển kinh tế khá tại địa phương.
Cây Trám đen là một trong những các cây gỗ lớn, chúng kích thước cao trung bình 25-30 m, kích thước của đường kính có thể tới 90 cm. Trước đây những cây như trám mọc tự nhiên.
Quả trám đen có hình thoi, 2 đầu nhọn, màu tím thẫm, thịt màu đỏ vàng, trong hạt có nhân trắng ngần. Trám đen gồm hai loại là trám nếp và trám tẻ; trám nếp ngọt, bùi, thịt mềm dẻo, còn trám tẻ thì giòn và cứng hơn. Nếu đã thưởng thức hương vị của nó thì thật khó quên, bởi hương vị bùi, ngậy, béo, kích thích vị giác rất lạ miệng nên được mọi người coi như đặc sản của một loại rau quả sạch.
Quả trám đen chín có thể chế biến được khá nhiều món ăn độc đáo, hương vị dân dã như: Xôi trám, trám om chuối, trám kho thịt, trám muối, om xổi chấm mắm ruốc, trám kho cá, trám nhồi thịt...
Ông Nguyễn Văn Thân (xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “ Gia đình có 10 cây trám đen, những cây này có tuổi đời từ 30 - 50 năm, hiện đã bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Mỗi kg trám ngon (loại 1) được bán với giá từ 100 -150.000 đồng/kg, cao hơn 30.000 – 35.000 đồng/kg so với những năm trước. Quả trám ngày càng dễ tiêu thụ, được thương lái tìm đến tận vườn thu mua chứ gia đình không phải mang đi chợ bán."
Trám là loại hoa quả sạch, trồng và chăm sóc thì rất dễ, nhưng để chờ đợi đến ngày thu hoạch trám thì không phải đơn giản. Nếu đất tốt, cây trám từ khi trồng đến khi cho quả mất khoảng 7 - 8 năm, còn đất xấu thì 9 – 10 năm. Khi trám chín, thương lái sẽ đến thu hoạch. Người leo cây hái trám thì cao công hơn, mỗi ngày 500.000 đồng. Còn những người nhặt trám thì 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày.
Theo những người trồng trám cho biết, sản lượng trám tùy thuộc vào tuổi đời của mỗi cây. Cây càng lâu năm thì càng sai quả, có cây cho 1 - 1,5 tạ quả. Tính ra, mỗi năm, mỗi hộ trồng trám thu về vài chục triệu đồng từ trám đen, tùy số lượng cây nhiều hay ít.
Ông Nguyễn Văn Thái (thợ hái trám thuê), huyện Hương Sơn, chia sẻ: "Nghề hái trám không phải là công việc dễ dàng, tuy nhiên sau nhiều năm làm nghề, tôi đã quen dần. Thân cây trám rất giòn, dễ gãy nên tôi phải thắt dây an toàn, để hái được những chùm trám xa, tôi phải buộc lưỡi liềm vào cây xào dài khoảng 3-4m để ngoắc chúng xuống đất".
Chị Nguyễn Hoa (một thương lái thu mua trám đen), cho biết: "Món trám đen từ xưa vốn quen thuộc với người dân thôn quê, nay đã trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn mà người dân thành thị muốn tìm mua để thưởng thức. Chúng tôi thường mua quả cả cây của người nông dân, sau đó thuê người để hái và thu gom lại. Người hái trám trên cây được trả lương 500.000đ/ngày, còn những phụ nữ phía dưới thu gom quả thì 200.000đ/ngày, tùy theo cây và khối lượng trám thì tiền công cũng khác nhau.”
Xã Sơn Ninh, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” trám hiện có hơn 350 hộ trồng trám đen, vào mùa thu hoạch mỗi hộ có thể thu nhập từ 10 đến 50 triệu đồng. Mỗi năm thu hoạch một mùa vào khoảng từ giữa tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Những cây trám đen đã mang thu nhập khá ổn định cho các hộ dân, những năm thời tiết khắc nghiệt số lượng cây trám đậu quả ít nhưng mỗi hộ vẫn thu về được nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh cho biết, toàn xã có 180 hộ dân có cây trám (chủ yếu trám nếp). Hiện có hơn 550 gốc đã cho quả, sản lượng ước đạt từ 13 - 15 tấn, giá thị trường từ 100 - 120.000 đồng/kg. Năm 2021, quả trám đen của địa hương đã được cơ sở chế biến trám Hùng Ly chế biến, phát triển thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của địa phương.
Hoài Thanh/KTĐU