Sự kiện hot
12 năm trước

“Trăm sự nhờ ngân hàng”

“Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, cho vay vốn phải nhờ cậy, xử lý nợ xấu cũng phải “trăm sự nhờ ngân hàng”, nhưng không được lập công ty con rút ruột tiền, không được kê khống tài sản, làm ăn gian dối;

“Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, cho vay vốn phải nhờ cậy, xử lý nợ xấu cũng phải “trăm sự nhờ ngân hàng”, nhưng không được lập công ty con rút ruột tiền, không được kê khống tài sản, làm ăn gian dối; phải giảm lãi, chia sẻ với doanh nghiệp...”.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra hôm 9.1.

Phải giảm lãi

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng (NH) năm 2013 tập trung tốt xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).


Ngành ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiệm vụ đầu tiên Thủ tướng nhấn mạnh, các NH phải chung sức khơi dòng tín dụng. “Các đồng chí xuống thấy người nuôi cá tra, cá ba sa đang ngắc ngoải thì lo lắm, thương lắm, bởi họ thiếu tiền. Chúng ta phải làm việc này mới có tăng trưởng, có việc làm thì mới ổn định được”, Thủ tướng nói. Ông cũng nhận định, hiện cả nền kinh tế vẫn phải nhờ vào vốn của NH, vì vậy năm tới phải tăng dư nợ tín dụng nhưng đúng mục tiêu, hiệu quả cho người dân và DN. Đây là nhiệm vụ chung không chỉ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà của các NH thương mại, của DN và người dân.

Tôi cũng suy nghĩ chắc trăm sự phải nhờ NH. Nhờ ở chỗ, chính các đồng chí cho vay DN mới sinh ra nợ xấu, vậy các đồng chí là người trước hết và chủ yếu xử lý nó.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NH phải chia sẻ với các DN. NH cần lợi nhuận, nhưng các DN đang thực sự khó khăn do sản xuất kinh doanh đình đốn, cần được hỗ trợ với các biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn, khoanh nợ. Đặc biệt, lãi suất (LS) cho vay trước kia quá cao, đến nay lạm phát thấp thì phải nhanh chóng giảm. "Tôi cũng mong NH phải giảm lãi, chia sẻ với DN để cùng phát triển. Đó là trách nhiệm với đất nước, nền kinh tế và ngay chính bản thân của NH”, Thủ tướng nói.

Ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu

Khẳng định việc xử lý nợ xấu trong năm 2013 cũng là vấn đề cấp bách và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: “Tôi cũng suy nghĩ chắc trăm sự phải nhờ NH. Nhờ ở chỗ, chính các đồng chí cho vay DN mới sinh ra nợ xấu, vậy các đồng chí là người trước hết và chủ yếu xử lý nó”.

Thủ tướng chỉ đạo, món nợ nào đưa được về công ty xử lý nợ phải đưa ngay, món nào trích lập dự phòng rủi ro được thì phải trích dự phòng rủi ro, bán tài sản thế chấp để xử lý. Chính phủ, NHNN sẽ hỗ trợ bằng chính sách, cơ chế, và ông tái khẳng định: “Ngân sách không có tiền để xử lý nợ xấu. Nhà nước chỉ xử lý nợ xấu thông qua hỗ trợ chính sách, chẳng hạn như tái cấp vốn. Tóm lại, nợ xấu là do NH tự xử lý cùng DN, kể cả đề án công ty quản lý nợ hôm trước tôi nói với anh Bình không có tiền đâu”.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2013 mà NHNN cần giải quyết, theo Thủ tướng là phải tập trung tái cơ cấu hệ thống theo hướng không để một NH nào yếu kém, không để một NH cổ phần lập ra công ty con, rút tiền NH, kê khống tài sản thế chấp. “Đó là vi phạm pháp luật, lừa đảo, NH phải hoạt động theo đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Không được rút tiền, lấy tiền xã hội để đầu tư cho mình. Tài sản thế chấp chỉ giá một đồng nâng khống lên vài trăm đồng”, Thủ tướng nói. Mặt khác, NHNN phải rà soát lại những quy định, thể chế để không tạo ra những sơ hở trong hệ thống, nhằm đảm bảo hệ thống NH trở thành huyết mạch trong nền kinh tế.

Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm về lạm phát

Trước đó, Thủ tướng ghi nhận công lao của ngành NH trong năm 2012 khi đã kiểm soát tốt lạm phát ở mức 6,81% - thấp hơn mục tiêu đề ra, tỷ giá ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế thặng dư như cán cân thanh toán thặng dư hơn 8 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ tăng hơn 10 tỉ USD, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu tạo thế cân bằng. “Lâu lắm rồi, dự trữ ngoại hối mới đạt kết quả thế này”, Thủ tướng chia sẻ. 

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ nặng nhất của NHNN trong năm 2013 là phải giữ được lạm phát ở mức thấp hơn 6,81%, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu kép đã đề ra. “Tôi họp Chính phủ có nói trong mục tiêu kép lạm phát và tăng trưởng, trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát. Lạm phát là tiền, tuy nhiên điều hành như thế nào để vừa kiểm soát lạm phát nhưng tăng trưởng cũng phải cao hơn. Nếu tăng trưởng thấp hơn 5% là thất nghiệp”, Thủ tướng chỉ đạo.

Xem xét bỏ trần LS huy động

NHNN cho biết trong năm 2013 sẽ điều hành linh hoạt các bộ công cụ chính sách tiền tệ. Tiếp tục áp trần LS tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng LS thị trường, xem xét bỏ trần LS huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống cải thiện vững chắc. Trường hợp lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012, tiếp tục giảm mặt bằng LS.

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2012 đạt khoảng 8,91% và đặt mục tiêu trong năm 2013 sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 12% so với 2012, tiếp tục kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng các NH theo nhóm, và sẽ thông báo tới từng NH.

Không để người dân thiệt hại

Về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN cần đảm bảo nhu cầu cơ bản, hợp pháp của người dân về vàng, người có sở hữu vàng, nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân. “Quản lý thị trường vàng còn việc này, việc kia nhưng cơ bản người có vàng không bị mất đi đồng nào, còn được lợi thêm. Muốn mua nữ trang, trang sức không ai cấm đoán. Nhưng làm sao quản lý vàng để lợi ích người dân không bị thiệt hại”, ông nhấn mạnh.

Anh Vũ
theo TNO

Từ khóa: