Trong khi bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu chững lại, biện pháp tốt nhất đang được áp dụng là diệt muỗi phòng bệnh thì trên thị trường đang rộ lên thuốc diệt muỗi giả khiến nhiều người dân hoang mang.
Do dịch sốt xuất huyết bùng phát nên các cơ sở bán hóa chất thuốc diệt muỗi trở nên đắt hàng, được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Để mua một sản phẩm diệt muỗi không khó, người tiêu dùng chỉ cần ra các cơ sở bán thuộc hoặc vào mạng gõ “thuốc diệt muỗi” thì có thể lựa chọn hàng trăm loại thuốc diệt muỗi khác nhau. Các sản phẩm diệt muỗi được giới thiệu nhiều nhất là: Icon 2.5CS, Map Permethrin 50EC, Fendona 10SC, Perme Uk 50 EC, Hockley Uk 10 CS… Các sản phẩm đều có thành phần Alpha Cypermethrin hoặc Permethrin (một trong 5 hoạt chất cho phép lưu hành diệt muỗi). Đa số đều được quảng cáo nhập từ Anh, Đức với giá bán từ 500-800 nghìn/lọ tuỳ vào dung tích, xuất xứ. Thậm chí, chai nhỏ dung tích 100ml giá chỉ 80 nghìn đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ việc kiểm tra đột xuất trên thị trường mới đây tại Hà Nội, sản phẩm diệt muỗi Permethrin 50EC là bị làm giả nhiều nhất. Hàng giả nhưng có tem nhãn chống hàng giả của Bộ Công an, hình thức được làm tinh vi. Tuy nhiên, nếu so sánh với hàng thật dễ dàng nhận ra: Hàng giả có nắp màu trắng tinh, vỏ thuỷ tinh nâu đậm, hình con muỗi đậm đỏ. Trong khi hàng thật nắp chai trắng đục, vỏ nâu sẫm, đặc biệt ở đáy hàng thật có in logo nổi còn hàng giả không có.
Với hình thức được làm tinh vi, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi không rõ xuất xứ. Nhiều sản phẩm, nhiều kiểu bao bì, bán với nhiều mức giá, nhưng lại cùng một nhãn hiệu, cùng một công ty sản xuất. Thậm chí nhiều loại thuốc có thành phần trong thuốc không đúng như thành phần ghi trên bao bì, thậm chí có những loại sử dụng hóa chất đã bị Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ sử dụng trong nông nghiệp nhưng vẫn được dùng trong thuốc diệt muỗi, côn trùng.
Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học để diệt côn trùng, nghĩa là trong thành phần của thuốc đó có những hoạt chất, hóa chất độc. Có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Với những loại thuốc này, cơ quan chuyên về thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không. Theo quy định, ngành y tế cấp phép quản lý, mua bán thuốc diệt côn trùng nhưng kiểm tra thuốc bán trên thị trường lại là cơ quan quản lý thị trường. Trước đây, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát.
Các loại thuốc giả có thể gây ra tình trạng ngộ độc khi người dân tiếp xúc sẽ gây dị ứng, hắt hơi, sổ mũi. Nặng hơn là ngộ độc cấp tính như nôn mửa, co giật. Do đó, nếu người dân có ý định phun thuốc từ những cơ sở tư nhân thì tìm hiểu kỹ càng về chất lượng thuốc, loại thuốc và quy trình, và cần loại bỏ các quan niệm sai khi cho rằng sử dụng thuốc diệt côn trùng tác dụng nhanh sẽ càng mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người dân cần mua thuốc tại các điểm uy tín như Viện vệ sinh dịch tễ và sản phẩm phải có tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn, được phép sử dụng.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội, bên cạnh hiện tượng bán thuốc diệt muỗi giả, gần đây còn có hiện tượng một số người còn mạo danh cán bộ ngành y tế đến phun thuốc tại các gia đình. Trước ý kiến trên thị trường xuất hiện một số loại thuốc diệt muỗi giả, người dân lo ngại những loại thuốc này trà trộn vào các đợt phun muỗi của Sở Y tế thì Sở Y tế Hà Nội cho biết chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc được Bộ Y tế cho phép. Về tình trạng xuất hiện những người đến các khu dân cư để mời chào phun hoá chất diệt muỗi, thì tại những khu có dịch, theo chỉ định và do y tế phối hợp với xã, phường để phun hoá chất và hoàn toàn miễn phí, không hề có thu tiền. Bên cạnh đó, một số nơi không phải chỉ định của y tế, nhưng người dân có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi và những công ty có đủ tư cách pháp nhân, đủ điều kiện vẫn được phép phun thuốc diệt muỗi. Quan trọng nhất, người dân cần cảnh giác và thông tin tới cơ quan chức năng nếu thấy nghi ngờ.
Mặc dù dịch sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn có thể bùng phát quay trở lại do hằng năm dịch sốt xuất huyết diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Để phòng dịch sốt xuất huyết hiện nay, việc quan trọng nhất là phải diệt bọ gậy với giải pháp chủ yếu dựa vào cộng đồng và từ ý thức của người dân.
Bảo Anh