Sự kiện hot
12 năm trước

Tranh cãi chuyện tăng tuổi nghỉ hưu

Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã gây nên nhiều tranh cãi trong Hội thảo lấy ý kiến nội dung hướng dẫn điều 187-Bộ Luật lao động về tuổi nghỉ hưu, diễn ra ngày 30.1 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã gây nên nhiều tranh cãi trong Hội thảo lấy ý kiến nội dung hướng dẫn điều 187-Bộ Luật lao động về tuổi nghỉ hưu, diễn ra ngày 30.1 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức.

Về đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu, Vụ Bảo hiểm xã hội đề xuất hai phương án: Một là tăng của cả nam, nữ; Hai là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu của nữ.

Trước đề xuất này, bà Hà Thị Thanh Vân- Phó trưởng Ban Chính sách-Luật pháp (Hội Phụ nữ Việt Nam), cho rằng nếu tiếp tục điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ thì sẽ không đảm bảo được việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách.


Chi trả lương hưu.

Theo bà Vân thì khoảng chênh 5 năm làm việc hiện nay đang tạo nên thiệt thòi cho người phụ nữ trong cơ hội việc làm, đào tạo, thu nhập… và cần thay đổi để đảm bảo quyền bình đẳng cho người phụ nữ.

Vụ Bảo hiểm xã hội cũng đề xuất hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu: Tăng ngay thêm 5 năm làm việc hoặc thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Đối với phương án tăng ngay thêm 5 năm làm việc, nhiều đại biểu lo ngại sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động và vấn đề quy hoạch cán bộ. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thắc mắc nếu tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ quy định thế nào để đảm bảo công bằng và được áp dụng rộng rãi.

Thời điểm Bộ Luật lao động mới có hiệu lực là 1.5.2013, vì vậy một số ý kiến cho rằng nên thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ 1.5. Vụ Bảo hiểm xã hội thì đề xuất áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ 1.1.2014.

Theo các đại biểu dự hội thảo, cần có thêm những đánh giá, nghiên cứu sâu về tác động của điều luật này với cả lao động và chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung nghiên cứu để có những quy định hướng dẫn thống nhất trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được đưa vào Bộ luật lao động nhưng chưa được giải quyết rõ ràng. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành điều luật về tuổi nghỉ hưu.

Quá trình lấy ý kiến của các nhóm đối tượng có rất nhiều tranh cãi, vì thế trong thời gian sắp tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về tuổi nghỉ hưu, tìm ra phương án chung để khi đưa vào luật thực hiện không bị vướng mắc và đảm bảo lợi ích của đại đa số người lao động.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung (53,2 tuổi) thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu hiện nay; trong đó nam là 55,1 tuổi, nữ là 51,6 tuổi. Trong khi điều tra khảo sát của Tổng cục dân số lại cho thấy tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đang tăng. Những nguyên nhân này đã tạo nên áp lực về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai gần đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi về tuổi nghỉ hưu.

Bộ Luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 16.8.2012, có hiệu lực từ 1.5.2013.

Điều 187. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Theo Vietnam+

Từ khóa: