Sự kiện hot
7 năm trước

Tranh chấp thương mại có thể khiến xuất khẩu thịt heo Mỹ gánh thiệt hại

Theo Reuters, nhu cầu tiêu thụ thịt heo giá rẻ trong nước đang tăng lên, song người chăn nuôi Mỹ lo ngại tranh chấp thương mại với các thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Mexico, và Canada có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh thịt heo của họ.

Triển vọng nhu cầu nội địa vẫn tươi sáng nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, mùa nướng thịt (mùa xuân) sắp tới và đợt mua sắp vào dịp lễ Phục Sinh đang thu hút người tiêu dùng nước ngoài, nhờ sự giảm giá gần đây của đồng USD.

Tuy nhiên, các tranh chấp thương mại với Trung Quốc và sự chậm chạp trong tiến trình đàm phán về Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đã làm giảm triển vọng xuất khẩu thịt heo của Mỹ, một hoạt động rất quan trọng cho ngành này, khi khoảng một phần tư thịt heo sản xuất tại Mỹ được xuất khẩu.

Số liệu từ Hiệp hội xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF) cho biết, xuất khẩu thịt heo của Mỹ lên cao kỷ lục, với khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn tháng 1 - 11 năm 2017 đạt 2,23 triệu tấn, tương đương giá trị 5,9 tỷ USD. Theo tổ chức, con số này đã tăng từ mức 2,09 triệu tấn về khối lượng và 5,4 tỷ USD về giá trị trong cùng kỳ năm 2016.

"Không nghi ngờ gì nữa, mối quan tâm lớn nhất của chúng ta là tình hình thương mại", ông Steve Meyer, chuyên gia kinh tế của Kerns and Associates, kiêm tư vấn viên của Hiệp hội các nhà sản xuất thịt heo quốc gia nhận định.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế đối với các tấm pin mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây ra sự lo ngại cho các nhà sản xuất thịt heo về khả năng trả đũa từ phía nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và thị trường lớn thứ ba của ngành thịt heo Mỹ.

Ảnh: REUTERS/John Gress/File Photo

Theo ông Meyer, thương mại với Trung Quốc luôn tồn tại rủi ro, và vụ việc cuối cùng đối với sản phẩm máy giặt và pin mặt trời không giúp ích được gì.

USMEF cho biết, Trung Quốc là một thị trường đang tăng trưởng đối với thịt heo của Mỹ, nhưng xuất khẩu thịt heo đã đi theo chiều hương giảm trong năm 2017, khi sản lượng thịt heo trong nước tăng cao.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối. Và khi bạn cản đường của một ai đó, họ có thể sẽ cố gắng đánh lại và chắn đường đi của bạn", chuyên gia phân tích John Ginzel của Linn Group, cho biết.

Ngoài ra, các cuộc thảo luận về hiện đại hóa hiệp định NAFTA gây nhiều tranh cãi đang thu hút được nhiều sự chú ý, khi Mỹ tranh chấp với Mexico và Canada, những thị trường có khối lượng nhập khẩu thịt heo Mỹ lớn thứ nhất và thứ 4 thế giới. Tiến trình đã chậm lại sau nhiều vòng đàm phán, và mối quan tâm vẫn là liệu Mỹ có rút khỏi hiệp định.

Việc chấm dứt hiệp định có thể đe dọa tới lợi nhuận của người chăn nuôi heo. Lợi nhuận của người chăn nuôi tăng mạnh nhờ vào giá thức ăn chăn nuôi rẻ và nhu cầu tăng mạnh trong suốt năm 2017. Những yếu tố này cũng hỗ trợ cho các nhà đóng gói như Tyson Foods.

"Ngành chăn nuôi heo thực sự mạnh mẽ vì các điều kiện thuận lợi đều xuất hiện", ông Greg Boerboom, người chăn nuôi heo ở Minnesota, Marshall nói. Theo Boerboom, các hộ nông dân đã giảm chi phí đầu vào bằng cách sử dụng các chất dinh dưỡng từ phân heo cho cây trồng thay vì phân bón thương mại.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến ngày 1/12, các trang trại của Mỹ có 73,2 triệu con heo, con số lớn nhất kể từ năm 1943, và theo chuyên phân tích Bob Brown và Jim Robb của Trung tâm Thông tin về Thị trường Chăn nuôi, các nhà đóng gói đã chế biến kỷ lục 25,6 tỷ pound thịt heo.

Đối với ông Boerboom, mất NAFTA là mối đe dọa lớn hơn đối với hoạt động chăn nuôi so với các tranh chấp với Trung Quốc, vì Mexico và Canada có chung đường biên giới và đã là những thị trường khả thi của Mỹ.

"Bạn sẽ muốn giữ khách hàng cũ của mình trước khi bạn bắt đầu lo lắng về những khách hàng mới. Vì vậy, tôi thực sự nghĩ về Mexico, Canada và thậm chí cả Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều hơn Trung Quốc", ông Boerboom nói.

Lyly Cao

Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: