ĐS&TD - "Năm nay là thời điểm chín muồi để triển khai mạng 4G LTE tại Việt Nam, Bộ đang xem xét để cấp phép cho các nhà mạng trong khoảng tháng 9, tháng 10 sắp tới", đó là khẳng định củ ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật" diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/8.
Nhằm tạo đà cho sự phát triển 4G LTE vào đầu năm 2016, Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020, mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật”. Trọng tâm của buổi hội thảo là việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam.
4G LTE mang lại cơ hội phát triển mới cho viễn thông Việt Nam
Sự ra đời của công nghệ 4G đã tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (Internet of things) của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.
Theo đánh giá, 4G LTE là công nghệ truyền thông không dây tốc độc cao dành cho các thiết bị di động và trạm dữ liệu, chính vì vậy nó đóng vai trò rất quan trọng trong kỷ nguyên Internet hiện nay. Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA).
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết công nghệ 4G LTE không chỉ mang tới người dùng dịch vụ mạng di động với tốc độ cao hơn nhiều lần so với công nghệ 3G mà còn đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo của World Bank cho thấy khi tỷ lệ người dân của một quốc gia sử dụng băng thông rộng tăng 10%, GDP của quốc gia đó sẽ tăng thêm khoảng 1%.
Thêm vào đó, hiện nay, nhu cầu của thị trường viễn thông Việt Nam triển khai mạng 3G được hơn 6 năm và tốc độ mạng 3G đã đạt đến giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân ở các thành phố lớn để triển khai các dịch vụ. Do đó, người dùng cần một tiêu chuẩn mạng di động mới có tốc độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu sử dụng. Trong thời gian tới, việc thúc đẩy nhanh chóng mạng 4G là điều cần thiết, không thể chậm trễ hơn nữa, ông Lê Nam Thắng nhận định.
Cơ hội và thách thức khi triển khai mạng 4G LTE tại Việt Nam
Hiện nay, có 521 nhà mạng đã triển khai LTE với khoảng 1,29 tỷ thuê bao 4G trên thế giới. Việc triển khai mạng 4G rộng rãi sẽ là một cơ hội lớn cho ngành công nghệ Việt Nam cũng như được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho những ngành nghề mới tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cũng nhấn mạnh: thông tin di động là một lĩnh vực đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần thay đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết các vấn đề cấp thiết; nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ công đồng như giám sát, bảo vệ môi trường, xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe,... Mạng và dịch vụ di động băng rộng công nghệ 4G mở ra cơ hội to lớn cho việc đạt được mục tiêu này.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ cuối năm 2015, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ băng thông rộng 4G cho các nhà mạng lớn như Vietel, Mobifone, VNPT và FPT. Với những kết quả khả quan mà các nhà mạng đạt được, Bộ đang xem xét để tháng 9, tháng 10 có thể cấp phép khai thác chính thức hệ thống thông tin động 4G trên công nghệ LTE/LTE-Adv tại băng tần 1800MHz, sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai 4G LTE, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung xây dựng chính sách rõ ràng trong việc dùng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng,… Song song với sự chuẩn bị từ phía nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông cũng đang gấp rút xây dựng chiến lược phát triển từ đây đến 2020 với trọng tâm là 4G LTE.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển kinh doanh trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi với chi phí tối thiểu, tạo thuận lợi cho việc kết nối thông suốt giá trị sản xuất, hàng hóa, dịch vụ, phân phối trong nước và quốc tế. Chính phủ có điều kiện triển khai chính quyền điện tử rộng khắp. Vì vậy, việc phát triển bền vững cũng như kinh doanh hiệu quả 4G gắn kết chặt chẽ với việc phát triển hệ sinh thái mà Internet vạn vật (IoT) là một cấu thành không thể thiếu"-Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh thêm.
Phát biểu về vấn đề này, ông Mantosh Malhotra - Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á nhận định: thế giới hiện chỉ có khoảng 1,3 tỷ smartphone, nhưng khi triển khai 4G tạo cơ hội cho phát triển IoT thì số lượng thiết bị có thể tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ thiết bị. Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái IoT toàn cầu. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia của Qualcomm khuyến cáo,cũng như mọi công nghệ mới khác, bên cạnh những cơ hội mở ra, 4G cũng đi kèm với nhiều thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt, chẳng hạn như vùng phủ sóng, an toàn bảo mật, năng lực mạng lưới, bảo đảm chất lượng dịch vụ và giá cả thiết bị phải phù hợp với người dùng. Để vượt qua những thách thức này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách quản lý và cam kết mạnh mẽ từ phía nhà mạng”.
Ông Lê Nam Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra thách thức trong việc quy hoạch băng tần 4G LTE tại Việt Nam. Ông cho rằng phân chia băng tần cần đảm bảo đủ để doanh nghiệp triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp băng tần cao và băng tần thấp để giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng. Về việc cấp phép dịch vụ 4G LTE, nếu cấp quá ít giấy phép, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ rất thấp, gây ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng.Theo đề xuất của ông Lê Nam Thắng, nên cấp phép cho 3 - 5 nhà khai thác di động, trong đó có từ 2 - 3 doanh nghiệp mạnh. Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và phải tạo điều kiện tham gia cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực mà không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nhà nước.
Có thể thấy, dù còn nhiều thách thức nhưng xu thế triển khai công nghệ 4G trên thế giới đang phát triển rất nhanh và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong năm qua, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng 20-35%, tốc độ tăng trưởng nhanh so với thế giới, đây là tiền đề để phát triển các dịch vụ trên nền tảng 4G trong tương lai. Để triển khai và tận dụng hiệu quả 4G, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có sự đồng thuận, phát triển nhịp nhàng của hệ sinh thái giữa chính phủ, các nhà mạng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này cũng đã được Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định rằng sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong việc phát triển và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triển chung của ngành, của các doanh nghiệp nói riêng và rộng hơn là vì sự thịnh vượng chung của cả nền kinh tế, lợi ích quốc gia.
Hồng Anh