VNDirect cho rằng, nhu cầu điện Việt Nam sẽ ghi nhận một mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-30, do dự báo GDP tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, trong kịch bản phụ tải cao, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng kép đạt 9,2% trong 2022-30. Đây sẽ là một trong các yếu tố bản lề, củng cố triển vọng ngành điện khi các nhà máy được huy động ở mức công suất cao hơn.
Sau nhiều những bản dự thảo, bức tranh ngành điện đang dần trở nên rõ ràng hơn. Theo đó, bản dự thảo T11/22 tập trung tối đa vào điện gió với mức tăng trưởng kép cao nhất đạt 16% trong 2022-45; tiếp tục loại bỏ 6.800MW điện than ra khỏi quy hoạch và dự kiến không tiếp tục phát triển điện khí sau 2035 đồng thời phải chuyển dần sang đốt kèm hydrogen.
Ngoài ra, bản dự thảo mới đề suất chỉ tiếp tục phát triển 726MW công suất điện mặt trời trang trại đã hoàn thành xây dựng hoặc pháp lý, đồng thời khuyến khích tiếp tục phát triển điện mặt trời áp mái cho nhu cầu tự dùng, không bán lên lưới. Khi QHĐ8 được chính thức ban hành, văn bản này sẽ tạo tiền đề cho chính sách giá năng lượng tái tạo chạy theo.
VNDirect cho rằng đây là hai văn bản đóng vai trò quan trọng, mở ra một “sân chơi” mới cho các doanh nghiệp trong ngành trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện Việt Nam. Với tiềm năng khổng lồ của NLTT, điện gió sẽ là tâm điểm phát triển trong giai đoạn 2022-30. Trong đó, điện khí cũng sẽ là sự đồng hành cần thiết để đảm bảo tính an toàn và ổn định của hệ thống.
Hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư dự án NLTT trễ giá FIT đang chịu áp lực chi phí rất lớn trong khi không thể bán điện lên lưới. Tuy nhiên, đã có những lối thoát đầu tiên cho những dự án này. Thực hiện Thông tư 15/2022/TT-BCT, EVN đang phối hợp với Bộ Công thương, tính toán khung giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp.
Theo đó, EVN đã tính toán theo bốn phương án, và chọn ra giá trị nhỏ nhất cho mỗi loại hình điện trong bốn phương án này. Theo đó, giá điện gió sẽ giảm khoảng 20-25% so với mức giá FIT trong khi giá điện mặt trời đề suất thấp hơn 50% và chỉ ở mức 1.188đ/kWh. Tuy rằng việc được huy động là một tín hiệu đáng mừng cho nhà đầu tư, việc đề suất một mức giá quá thấp có thể sẽ không mang tính hỗ trợ quá tốt để các dự án vận hành hiệu quả.
VNDirect nhận thấy sẽ vẫn còn những khó khăn cho điện mặt trời trong khi điện gió gặp ít áp lực hơn. Chúng tôi cho rằng việc ban hành bản dự thảo này là một trong những bước đi tích cực và cần thiết, giúp dần nới lỏng những nút thắt chính sách đã kéo dài hơn một năm. Dự thảo chính sách giá chuyển tiếp sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư trễ FIT có thể đàm phán PPA với EVN trong tương lai gần và hiện tại đã được trình lại Bộ Công thương để tiếp tục đánh giá và đưa ý kiến. Song song với đó, hiện tại Bộ Công thương cũng đang làm việc với các bộ ngành liên quan, khẩn trương xây dựng và phát triển cơ chế thí điểm đàm phán giá trực tiếp (DPPA) hoặc dự thảo cơ chế đấu thầu, tạo hành lang pháp lý cho giai đoạn phát triển tiếp theo của mảng năng lượng này.
Khác với giai đoạn bùng nổ của giá FIT trong 2019-2021, khi nhiều doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, có hay không có kinh nghiệm đều tham gia chạy đua mảng điện này.
“Giai đoạn đó đã kết thúc, và khi chính sách mới được ban hành, dù theo bất kỳ cơ chế nào, sẽ hướng đến một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh hơn. Trong đó, những doanh nghiệp có lợi thế về quy mô, khả năng đàm phán giá và khả năng tiếp cận với dòng vốn lớn sẽ nắm trong tay những yếu tố quyết định để mở rộng danh mục và sở hữu “miếng bánh” lớn hơn trong ngành”. VNDirect đánh giá.
Doanh nghiệp có kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có năng lực đấu thầu tốt hơn nhờ khả năng quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như tiềm lực tiếp cận các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ.
Với việc điện gió sẽ chắc chắn là lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2022- 2030 nhờ những định hướng vững vàng từ chính phủ, được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư giảm mạnh. Đơn vị phân tích nhận thấy nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các yếu tố nêu trên sẽ hướng lợi lớn từ ngành này như BCG, GEG, PC1, TTA, GEX và REE.
Mặt khác, việc mua bán và sáp nhật (M&A) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng ngành năng lượng tài tạo sau giai đoạn giá FIT. Rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng NLTT tại Việt Nam, và hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Philippines như BCPG, Bgrimm hay AC Energy đã tiếp cận thị trường trong nước thông qua nhiều hình thức đầu tư linh hoạt, bao gồm việc M&A các dự án đã vận hành cũng như thành lập liên danh với các đối tác nội địa để phát triển dự án mới.
Khi bức tranh ngành điện đang dần rõ nét hơn, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, xu hướng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các năm tới. Tính cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ tăng cao với nhiều thành phần nhà đầu tư đến từ nhiều nơi trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng chạy đua cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.
Huy Đức
Theo KTDU