Sự kiện hot
2 năm trước

Triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2022

Triển vọng xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2022 kém khả quan và khả năng tăng trưởng ở mức thấp. Nguyên nhân là do những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Pakistan, Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn.

Pakistan, Trung Quốc giảm mua, xuất khẩu chè ảm đạm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin: trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu chè sang thị trường lớn nhất là Pakistan tăng mạnh cả về lượng và trị giá. Lượng chè xuất khẩu tới thị trường Pakistan chiếm 41% tổng lượng chè xuất khẩu, tăng 10,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2022, Chính phủ Pakistan đã kêu gọi người dân giảm uống chè để giữ cho nền kinh tế phát triển do dự trữ ngoại hối của Pakistan thấp.

“Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Nhập khẩu nhiều chè đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải vay tiền, do đó Chính phủ kêu gọi người dân giảm tiêu thụ chè. Vì vậy, xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu lý giải rõ hơn.

Trong khi đó, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về lượng và trị giá trong 8 tháng năm 2022. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc vẫn được áp dụng đã tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam tới thị trường này.

Triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2022 - Ảnh 1

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, triển vọng xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2022 kém khả quan và khả năng tăng trưởng ở mức thấp. Nguyên nhân là do những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thời gian tới, chè đen của Việt Nam có thể còn bị cạnh tranh bởi nguồn cung từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây tại Islamabad, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ ký hiệp định ưu đãi thương mại (PTA). Việc ký PTA là bước đầu tiên thực hiện “Hiệp định khung về thiết lập khu vực mậu dịch tự do Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ” ký ngày 22/03/2016. Tại thị trường Pakistan, trong số 130 dòng thuế thì Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng ngay mức thuế 0% đối với 16 dòng thuế, trong đó có mặt hàng chè đen. Như vậy, thuế nhập khẩu chè đen của Pakistan từ Thổ Nhĩ Kỳ được giảm ngay về 0%, còn chè Việt Nam chịu thuế 11%. 

Nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm tới

Dù khó khăn song các cơ quan chức năng vẫn dự báo, nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm tới-2023, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam.

Nghiên cứu do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ cho biết người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè trong những thời điểm khó khăn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với nhận thức chè là một chất kích thích để giảm căng thẳng, cũng như mang lại cảm giác “tập trung” trong thời điểm lo lắng.

Hiệp hội này cũng dự đoán, năm 2023, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chè nguyên lá (chè đặc sản) đang tiếp tục gia tăng mức độ phổ biến đối với người tiêu dùng trên tất cả các đối tượng. Những người tiêu dùng đang tìm kiếm câu chuyện đằng sau các sản phẩm yêu thích của họ về lịch sử, địa lý và truyền thống.

Covid-19 tiếp tục làm nổi bật “sức mạnh của chè” trong việc tăng cường sức khỏe. Chè đen bắt đầu phổ biến hơn từ dưới bóng của hào quang của chè xanh với các đặc tính dành cho sức khỏe.

Để cạnh tranh được với các quốc gia khác, Việt Nam cần đa dạng về chủng loại chè, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hàm lượng chế biến và tăng khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Bảo An / KTĐU

Từ khóa: