Sự kiện hot
13 năm trước

Trốn thuế, phạt gấp 3 lần

Đó là các chế tài mà Ủy ban tài chính ngân sách yêu cầu phải siết chặt hơn so với dự án sửa đổi Luật Quản lý thuế mà Bộ Tài chính vừa trình sáng nay, 20/3 tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đó là các chế tài mà Ủy ban tài chính ngân sách yêu cầu phải siết chặt hơn so với dự án sửa đổi Luật Quản lý thuế  mà Bộ Tài chính vừa trình sáng nay, 20/3 tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo dự thảo này, vấn đề quản lý nợ thuế sẽ được quy định nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, liên quan tới thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính- cơ quan soạn thảo đã dự kiến bắt buộc người nộp thuế  phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng.

Nếu có bảo lãnh thì doanh nghiệp có thể được thông quan, giải phóng hàng hóa trước nhưng phải chịu lãi chậm nộp là 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Bộ Tài chính cho hay, đa số các nước đều không cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu và đều phải nộp thuế trước khi nhận hàng, như Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia. Một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh như Anh, hoặc chậm nộp với điều kiện phải có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý, ví dụ như ở Newzeland.

Kê khai sai thuế sẽcó thể bị phạt tăng lên gấp đôi hiện nay (ảnh: theo DDDN)

Trong khi tại Việt Nam, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp lại có thể không thường xuyên thực hiện xuất nhập khẩu nên đã có tình trạng lợi dụng chính sách để chây ỳ nợ thuế. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp nợ thuế rồi bỏ trốn hoặc tự giải thể. Điều này cũng gây nên sức ép cạnh tranh bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu.

Đối với trường hợp các doanh nghiệp khó khăn, nợ tiền thuế quá lâu đến mức vượt cả khả năng nộp đủ thuế một lần, bộ này cũng đề nghị nên cho phép doanh nghiệp được nộp dần số tiền nợ thuế làm nhiều lần trong một khoảng thời gian 12 tháng, nhưng có tính lãi chậm nộp và phải có bảo lãnh của ngân hàng. Mức lãi suất chậm nộp cho tiền nợ thuế cũng là 0,05%/ngày.

Theo Bộ Tài chính, quy định này vừa sẽ đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo thuế được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm tham khảo ở nhiều nước trên thế giới. Ví dụ tại Malaysia, lãi nộp chậm là 10-15%/năm, Singapore có lãi chậm nộp thuế là 5-12%/năm, Trung Quốc có  mức lãi cơ bản là 5,35% và nếu chây ì quá 1 tháng, sẽ tăng thêm 1%/tháng.

Tuy nhiên, Ủy ban tài chính ngân sách không đồng ý với mức lãi chậm nộp thuế xuất nhập khẩu và yêu cầu cần nâng mức này lên là 1%/ngày.

Lý do là vì có nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó vì không tiếp cận được vốn vay. Quy định mức phạt chậm nộp thuế là 0,05%/ngày là thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng  tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, gây khó khăn cho thu ngân sách.

Bên cạnh đó, Ủy ban tài chính ngân sách cũng yêu cầu bổ sung nội dung sửa đổi, phải tăng mức phạt đối với hành vi kê khai sai so với mức hiện hành. Theo luật hiện nay, nếu kê khai sai dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc được hoàn thuế nhiều hơn mức được hoàn thì sẽ bị xử phạt 10% số tiền thuế nộp thiếu hoặc hoàn thừa đó. Tuy  nhiên, Ủy ban tài chính ngân sách đề nghị phải tăng mức xử phạt lên 20% để đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị cần tăng mức phạt người trốn thuế lên là khoản tiền gấp 2-3 lần số tiền thuế đã trốn thay vì mức 1-3 lần như hiện nay.

Tuy nhiên, bộ trưởng Vương Đình Huệ giải trình cho rằng: "Việc tính lãi phạt chậm nộp thuế, nợ thuế phải hết sức cân nhắc. Mức 0,05%/ngày là đã tính toán kỹ vì cũng là tương đương 18,25%/ năm sau thuế. Mức này bằng 23,5%/năm so với chi phí trước thuế, là cao hơn rất nhiều ngân hàng. Răn đe nhưng phạt cao quá quá sức chịu đựng sẽ sinh tiêu cực cho cán bộ thuế".

Sẽ xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2007

Theo dự thảo luật Quản lý thuế sửa đổi,đề nghị Chính phủ sẽ nghiên cứu, kiểm tra, xóa các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2007, ngày Luật thuế hiện hành có hiệu lực. Theo báo cáo của bộ Tài chính, các quy định về xóa nợ  theo luật hiện hành đang bị thu hẹp phạm vi đối tượng so với thực tế. Trước thời điểm này, còn rất nhiều khoản nợ xấu, khó có khả năng thu hồi và hiện, chưa có cơ chế nào để giải quyết.

Theo VEF

Từ khóa: