Được giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, với 14.000m3/năm, nhưng diện tích rừng trồng của doanh nghiệp lâm sản ở Khánh Hòa luôn thấp, có nơi chưa bằng 1/5 diện tích rừng bị khai thác.
Được giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, với 14.000m3/năm, nhưng diện tích rừng trồng của doanh nghiệp lâm sản ở Khánh Hòa luôn thấp, có nơi chưa bằng 1/5 diện tích rừng bị khai thác.
Tỉnh Khánh Hòa luôn đứng đầu danh sách các địa phương được giao chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, với 14.000m3/năm. Nhưng diện tích rừng trồng của doanh nghiệp lâm sản ở tỉnh này luôn luôn thấp, thậm chí có nơi chưa bằng 1/5 diện tích rừng bị khai thác.
Theo các báo cáo trong phương án điều chế rừng xây dựng cho 35 năm (từ 2011 – 2045) đã được phê duyệt của Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương (gọi tắt là Công ty Trầm Hương), tính từ năm 1991 đến nay, công ty này đã khai thác trên 6.447ha rừng tự nhiên.
|
Bãi tập kết gỗ của Công ty Trầm Hương, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa
|
Riêng trong 5 năm, từ 2006 - 2010, công ty này khai thác 40.400m3 gỗ rừng tự nhiên, tương đương 1.100ha. Nhưng cũng trong 5 năm đó, Công ty Trầm Hương chỉ trồng mới được 339ha rừng. Trong 10 năm (2011 – 2020), Công ty Trầm Hương trồng mới 400ha rừng, bằng 1/5 tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt với 70.6660m3 gỗ (khoảng 2.075ha).
Cũng theo phương án điều chế rừng này, trong 35 năm (từ 2011-2045), Công ty Trầm Hương sẽ khai thác tổng cộng 6.185ha rừng tự nhiên với tổng sản lượng gỗ là 197.845m3 từ nhóm 2 đến nhóm 8. Đó là chưa kể 4.500ha rừng lồ ô.
Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa, việc khai thác gỗ của Công ty Trầm Hương và Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa luôn vượt mức kế hoạch: Năm 2006 đạt 21.715m3/12.000m3, năm 2007 là 23.853m3/14.000m3, năm 2008 đạt 21.773m3/14.000m3, năm 2009 đạt 15.145m3/14.000m3... Trong khi đó, diện tích rừng trồng tập trung có xu hướng giảm mạnh (năm 2005: 2.550ha, năm 2006: 2.154ha, năm 2007: 964 ha, năm 2008: 300ha, năm 2009: 553ha).
Như NTNN đã phản ánh, để tìm hiểu thêm về việc giao chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 cho 2 công ty khai thác lâm sản nói trên, phóng viên đã mất cả tuần liên lạc để gặp lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa và giám đốc của 2 công ty lâm sản nhưng đều bất thành. Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 12.7, đại diện Sở NNPTNT và ban tổ chức họp báo cũng không có câu trả lời về việc khai thác gỗ rừng năm 2011 có vượt khối lượng cho phép hay không!
Đến chiều 16.7, sau khi NTNN có bài phản ánh, ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa mới cung cấp được cho phóng viên 2 văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định 2 hồ sơ thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 cho cả 2 công ty lâm sản nói trên.
Tuy nhiên, cả 2 văn bản này đều ghi giống nhau và dễ gây hiểu sai “về việc thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 tỉnh Khánh Hòa” và “thống nhất cơ bản về nội dung hồ sơ tổng hợp thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa, cụ thể sản lượng gỗ được phép khai thác là 9.700m3” (kể cả cành ngọn).
Mai Khuê
theo Dân Việt