Sự kiện hot
5 năm trước

Trong thực tế, học sách giáo khoa nào cứ cấp trên muốn là được

Chỉ cần trong Hội đồng chọn sách vị lãnh đạo có vài ba câu gợi ý, hướng đến bộ sách nào thì gần như chắc chắn bộ sách ấy sẽ được chọn để làm vừa lòng cấp trên.

Câu chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đang làm dậy sóng trên nhiều diễn đàn.

Hai cuốn sách giáo khoa Tin học nội dung kiến thức gần như giống nhau nhưng vẫn thay và giá thành sách mới gấp hơn 2 lần cuốn sách giáo khoa cũ (Ảnh Phan Tuyết)

Nhiều người lo lắng chuyện Sở Giáo dục nhận tiền hoa hồng hàng tháng của nhà xuất bản sẽ khó có thể minh bạch, công bằng trong việc chọn lựa sách giáo khoa.

Những băn khoăn, lo lắng của công luận là có cơ sở vì trong thực tế chuyện học sách giáo khoa của nhà xuất bản nào từ trước đến nay đều do cấp lãnh đạo bên trên (cấp sở, cấp phòng) đạo diễn.

Nơi trường học hoàn toàn bị động, không ít hiệu trưởng từng bức xúc việc thay đổi sách liên tục đã làm khó cho nhà trường, làm khổ cho phụ huynh đặc biệt là phụ huynh nghèo.

Thế nên dù bức xúc đến đâu lãnh đạo nhà trường (đừng nói gì giáo viên) chỉ biết im lặng và thực hiện.

Chuyện có ý kiến góp ý còn chưa có chứ nói gì đến ý kiến phản đối.

Sách Tin học, Anh văn vài năm trở lại đây nhiều địa phương liên tục thay đổi

Một bộ sách Anh văn gần 200 ngàn đồng, sách Tin học cũng có giá khoảng 50 ngàn đồng/bộ. Vậy mà học sinh học năm trước vừa xong đã trở thành sách loại do địa phương lại đổi sách của một nhà xuất bản khác.

Xem cuốn sách Tin học bậc tiểu học do Nhà xuất Giáo dục phát hành đã được học ổn định khá nhiều năm. Giá cuốn sách này cũng chỉ hơn 20 ngàn đồng/cuốn (học chung cho cả năm). Chất lượng môn học cuối năm trường nào chẳng đánh giá học sinh hoàn thành 100%.

Vậy mà, đùng một cái cuối năm nhà trường được thông báo sang năm thay sách Tin học mới do một nhà xuất bản khác xuất bản. Giá của sách Tin học lại lên tới gần 50 ngàn đồng/bộ.

Lý do thay sách được cấp trên đưa ra nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

Nhưng cầm 2 cuốn sách Tin học của hai nhà xuất bản trên tay, chúng tôi thấy về kiến thức cung cấp cho học sinh chẳng khác nhau là mấy. Điều khác duy nhất chỉ là sắp xếp các bài dạy và sách mới có hình ảnh bắt mắt hơn.

Giáo viên dạy tin cũng cho biết: “Cũng thế cả thôi, mình đâu có quyền trên bảo sao thì làm vậy”.

Sách Tin học giá tiền ít hơn còn thấy xót, bộ sách Anh văn mới là lãng phí vô cùng. Bởi mỗi bộ sách gần 200 nghìn đồng chứ đâu phải ít.

Giáo viên dạy Anh văn cũng cho rằng đến 80% kiến thức của 2 cuốn sách giống nhau.

Kết quả học tập môn Anh văn của học sinh tiểu học ở địa phương tôi luôn được đánh giá gần 100% hoàn thành môn học. Vậy mà, họ vẫn cho thay sách mới với lý do sách mới chất lượng học tập sẽ tốt hơn.

Chúng tôi lo cho chuyện chọn sách sắp tới

Nếu ai ở trong ngành giáo dục sẽ hiểu rất rõ chuyện cấp dưới phục tùng cấp trên gần như tuyệt đối dù cho đó là những mệnh lệnh vô lý, bất lợi cho học sinh, cho nhà trường (trừ một vài trường hợp bức xúc đấu tranh nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu).

Cái lý của nhiều thầy cô: “Im lặng cho nó lành, phản ứng chẳng được gì có khi rước họa vào thân”. Nhiều người lấy câu nói: "Một điều nhịn chín điều lành" làm phương châm sống.

Tâm lý của nhiều thầy cô giáo luôn sống an phận, đến quyền lợi của mình bị xâm phạm còn chịu đựng thì nói gì đấu tranh bảo vệ ai?

Vì những nguyên nhân trên, chúng tôi lo sợ rằng việc chọn sách giáo khoa theo chương trình mới sẽ khó có được sự công minh.

Chỉ cần trong Hội đồng chọn sách vị lãnh đạo có vài ba câu gợi ý, hướng đến bộ sách nào thì gần như chắc chắn bộ sách ấy sẽ được chọn để làm vừa lòng cấp trên.

Có lẽ nắm được điều này nên nhà xuất bản đã đi trước một bước. Khi lãnh đạo địa phương ấy đã ăn tiền thì gần như cơ hội cho nhà xuất bản khác sẽ không còn.

Đỗ Quyên
Theo Giaoduc.net

Từ khóa: