Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn Việt Nam.
Thời gian gần đây, giá thịt lợn của Việt Nam xuống thấp khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Công thương, giá thịt lợn giảm có nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu (tiểu ngạch) trong khi nguồn cung trong nước vượt cầu.
Mới đây, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam theo đường chính ngạch. Việc xuất khẩu lợn có thể thực hiện trong năm nay nếu hoàn thiện thủ tục.
Tuy nhiên, phía Cục Chăn nuôi cho biết để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch thì cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng; kiểm soát dịch bệnh...
Về quy trình thủ tục, Trung Quốc yêu cầu rà soát, xử lý các vấn đề về quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Đây là căn cứ để Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm trước khi tiến tới đàm phán, ký kết.
Ngoài ra, theo Cục Chăn nuôi, Trung Quốc cũng đề nghị xuất khẩu lợn đã giết mổ cấp đông; hạn chế lợn sống.
Được biết, hiện giá thịt lợn ở Trung Quốc đang ở mức 40.000-45.000 đồng/kg. Nếu so sánh, giá thịt lợn Trung Quốc vẫn cao hơn Việt Nam vài giá. Đáng chú ý là theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, mỗi năm Trung Quốc có thể nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt lợn Việt Nam.
Gần đây nhất, nhằm "giải cứu" giá thịt lợn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chỉ đạo Giám đốc NHCSXH các tỉnh, thành phố gia hạn nợ theo cơ chế gia hạn nợ thông thường đối với người sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú ý gặp khó khăn khi chưa trả được nợ khi đến hạn và có nhu cầu đề nghị gia hạn nợ
Căn cứ vào nguồn vốn, điều kiện của từng địa phương và cơ chế cho vay hiện hành, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xem xét cho vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
D.L
Theo Đời sống & Pháp lý