Bất chấp Công ước luật biển năm 1982 để mưu đồ độc chiếm Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc đã dùng tàu hải giám, máy bay, tàu hải quân thường xuyên quấy nhiễu vùng biển của nước ta.
Bất chấp Công ước luật biển năm 1982 để mưu đồ độc chiếm Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc đã dùng tàu hải giám, máy bay, tàu hải quân thường xuyên quấy nhiễu vùng biển của nước ta.
Ngày 5.4, tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 (đóng tại Đà Nẵng) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hiệp đồng bảo vệ chủ quyền biển, đảo với 7 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình tới Bình Định.
Tại hội nghị, Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết - Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết tình hình Biển Đông hiện nay rất phức tạp. Trung Quốc đã có nhiều động thái rất phiêu lưu bất chấp Công ước luật biển năm 1982 để mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trong đó, thời gian qua Trung Quốc đã dùng tàu hải giám, máy bay, tàu hải quân thường xuyên quấy nhiễu vùng biển của nước ta.
Bắn cháy tàu cá Việt Nam thể hiện sự ngông cuồng của Trung Quốc ở Biển Đông
Đi kèm với việc quấy nhiễu, Trung Quốc tăng cường xây dựng căn cứ trái phép trên đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc đã thông qua kinh phí lên 1,6 tỷ đô la để xây dựng sân bay trên đảo Hoàng Sa-Việt Nam (Trung Quốc gọi là đảo Phú Lâm), Đại tá Lê Thanh Vân-Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết.
Cũng theo Đại tá Vân, về mặt Chính trị ngoại giao, Trung Quốc đã cản trở không cho các nước ASEAN bàn thảo về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, vô lý phản đối và yêu cầu nước ta phải sửa đổi Luật Biển Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đã tổ chức nhiều tập trận lớn ở biển Đông với sự tham gia của tàu tên lửa, tàu ngầm... Những đợt tập trận này có mục tiêu cụ thể là chiếm đảo với mục đích răn đe các nước có tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, trong đó có nước ta, Đại tá Vân nói.
Mới đây nhất vụ tàu tuần tra của Trung Quốc bắn cháy tàu cá Qng 96382 của ngư dân Bùi Văn Phải (ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) đã thể hiện sự ngông cuồng và cứng rắn của Trung Quốc về hành động vô lý, phản đối, ngăn cản không cho tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt ngay trên vùng biển của Việt Nam, Đại tá Vân cho hay.
Trong tình hình hết sức phức tạp mà Trung Quốc đã gây ra, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn mới, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 3 sẽ phối hợp với địa phương hiệu chỉnh hiệp đồng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian tới.
“Chúng ta ưu tiên giải quyết tranh chấp trong hòa bình, nhưng nước ngoài kiên quyết xâm phạm chủ quyền biên giới, biển, đảo thì chúng ta sẽ có những biện pháp cứng rắn để đáp trả. Dù là một tấc đất, biển... của Tổ quốc cũng không thể mất. Đó là điều hiển nhiên, bất di bất dịch”, Đại tá Vân khẳng định.
Đình Thiên
theo Dân Việt