Chương trình vũ trụ Trung Quốc chuẩn bị đạt được một cột mốc lịch sử bằng cách gửi nữ phi hành gia đầu tiên của họ lên không gian sau gần nửa thế kỷ kể từ khi Liên Xô (cũ) thực hiện điều này.
Chương trình vũ trụ Trung Quốc chuẩn bị đạt được một cột mốc lịch sử bằng cách gửi nữ phi hành gia đầu tiên của họ lên không gian sau gần nửa thế kỷ kể từ khi Liên Xô (cũ) thực hiện điều này.
Theo truyền thống Trung Quốc, danh tính của ba phi hành gia trên phi thuyền Thần Châu 9 sẽ chỉ được thông báo trước khi cất cánh vài giờ.
Phi thuyền sẽ được phóng sớm nhất vào ngày 16.6, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Sứ mệnh kéo dài 13 ngày sẽ bao gồm việc kết nối với mô đun trạm vũ trụ Thiên Cung 1, được phóng lên quỹ đạo vào tháng 9 năm ngoái.
Sứ mệnh đánh dấu một mục tiêu khoa học quan trọng khi phi thuyền có người lái của Trung Quốc lần đầu tiên kết nối với trạm Thiên Cung 1. Tuy nhiên, phần lớn sự chú ý của giới truyền thông tập trung vào danh sách rút gọn hai ứng cử viên có thể sẽ trở thành phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào không gian.
Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc
Phi thuyền Thần Châu 9 của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Vào hôm 11.6, tờ Nhân dân Nhật báo đã đưa ra một thông báo ngắn kèm hình ảnh về hai nữ phi hành gia lọt vào danh sách rút gọn. Đó là hai nữ phi công kỳ cựu Lưu Dương và Vương Á Bình, đều ở tuổi 34.
Cho đến nay, chỉ có bảy quốc gia gửi phụ nữ lên quỹ đạo và chỉ có hai quốc gia là Liên Xô (cũ) và Mỹ thực hiện điều này bằng chính các phi thuyền của họ. Nữ phi hành gia của Liên Xô (cũ) Valentina Tereshkova đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ vào năm 1963.
Theo BBC, thông tin về hai nữ phi hành gia được đăng trên website Netease đã thu hút hơn 76.000 người tham gia bình luận và nó trở thành chủ đề được bàn tán nhiều thứ hai trên trang mạng Sina Weibo.
Một cư dân mạng ở Thượng Hải phát biểu: “Cuối cùng, chúng ta sắp có nữ phi hành gia đầu tiên. Họ là những nữ anh hùng của thời nay”.
Đài truyền thanh quốc gia Trung Quốc đã mô tả hai phụ nữ là “những phi công xuất sắc với phẩm chất tinh thần vô cùng mạnh mẽ, từng vượt qua quy trình chọn lựa khắt khe”.
Theo BBC, một số tường thuật từng mô tả các phụ nữ là “phi công chiến đấu”. Song nguyên phó chỉ huy chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc Trương Kiến Khải cho hay cả hai đều là “phi công vận tải hàng không”.
Theo truyền thông Trung Quốc, thiếu tá Lưu Dương đến từ tỉnh Hà Nam. Cô từng được ca ngợi là phi công “kiểu mẫu” vào tháng 3.2010 và thể hiện “sự bình tĩnh hiếm thấy” với việc hạ cánh an toàn sau khi máy bay bị 18 con bồ câu va phải.
Cạnh tranh cùng Lưu Dương là đại úy Vương Á Bình đến từ tỉnh Sơn Đông. Cô có thể lái bốn loại máy bay và từng thực hiện sứ mệnh phân phối hàng cứu trợ sau trận động đất ở Tứ Xuyên vào năm 2008 cũng như sứ mệnh xua mây trên bầu trời Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Olympic 2008.
Cả thiếu tá Lưu và đại úy Dương đều đã có một con, theo BBC.
Đại úy Vương Á Bình (trái) và thiếu tá Lưu Dương - Ảnh: EyePress
Tiêu chuẩn chọn lựa nữ phi hành gia cũng là chủ đề bàn tán trên các trang mạng Trung Quốc, theo BBC. Một người sử dụng trang mạng Weibo viết trên blog: “Tôi nghe radio nói các nữ phi hành gia không được có mùi cơ thể hoặc răng sâu. Điều quan trọng nhất là họ phải có chồng, có con và phải sinh con qua đường tự nhiên. Họ sẽ không đạt tiêu chuẩn nếu sinh mổ”.
Lý do của việc này là các vết sẹo có thể rách ra trong vũ trụ, các vấn đề về răng có thể gây biến chứng nghiêm trọng và mùi cơ thể sẽ gây khó chịu trong phi thuyền đóng kín, theo BBC.
Tờ The Guardian lý giải việc chọn phụ nữ có con có thể xuất phát từ lo ngại rằng chuyến bay vũ trụ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh nở của phụ nữ.
Tuy nhiên, tờ Jinghua Times dẫn lời một quan chức thuộc chương trình vũ trụ Trung Quốc khẳng định không có yêu cầu về việc nữ phi hành gia là phụ nữ đã có con.
Ông Trương Kiến Khải cũng bổ sung rằng tiêu chuẩn chọn lựa cho nữ phi hành gia cũng tương tự nam giới và “điều duy nhất khác biệt là, những người có chồng sẽ được ưu tiên vì họ trưởng thành hơn cả về tinh thần và thể xác”.
Phòng trang điểm trên vũ trụ
Theo tờ South China Morning Post hôm 13.6, mô đun thí nghiệm Thiên Cung 1 sẽ có toilet được thiết kế đặc biệt dành cho phụ nữ cũng như một phòng ngủ độc lập, nơi nữ phi hành gia đầu tiên có thể ngủ và chải chuốt trong không gian riêng tư trong suốt đợt kết nối dài 10 ngày.
Nữ phi hành gia sẽ được chia khẩu phần nước nhiều hơn và sẽ được phép mang theo một số mỹ phẩm đơn giản không gây ô nhiễm môi trường thí nghiệm.
Theo BBC, một số người sử dụng internet rất hứng thú với hình ảnh hai nữ phi hành gia trong quân phục. “Họ quá đỉnh”, một người sử dụng có nickname Kaykay 1013 ở Hàng Châu phát biểu.
Tuy nhiên, một nickname khác tên Rayfish ở Bắc Kinh thể hiện ít ấn tượng hơn với phát biểu: “Đồng phục của họ thật xấu xí. Chúng ta không thể thiết kế một thứ gì đẹp hơn để gây ấn tượng với thế giới sao? Đồng phục của những nữ phi hành gia khiến họ trông như những ngư dân”.
Sơn Duân
Theo Thanhnien