Sự kiện hot
6 năm trước

Trước thềm IPO, Lọc hóa dầu Bình Sơn có gì?

Với mức giá chào bán cổ phần lần đầu (IPO) Lọc hóa dầu Bình Sơn 14.600 đồng/cp, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng Vietbank cho rằng BSR đang bán quá rẻ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, vậy công ty này hiện có những gì?

Loạt tên tuổi lớn làng dầu thế giới để mắt đến Lọc Hóa dầu Bình Sơn

Dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, khởi công vào ngày 28/11/2005 tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; với mức đầu tư 2,5 tỷ USD.

Năm 2009 nhà máy được phê duyệt điều chỉnh lên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đây chính là đơn vị do Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành.

Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 17/1/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cp.

Công ty cho biết sẽ kết hợp đăng ký giao dịch với chào bán ra công chúng, đồng thời đăng ký niêm yết ngay sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết và đươc chấp thuận theo quy định.

Petrolimex và PV Oil mua 66% lượng xăng dầu của Bình Sơn

Nguồn cung dầu thô chính của Công ty vẫn là mỏ Bạch Hổ, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng dầu thô đưa vào chế biến của Công ty. Hiện mỏ Bạch Hổ và các mỏ dầu trong nước (chủ yếu là ngọt, nhẹ) chiếm đến 90% cơ cấu dầu thô của Công ty, còn lại là dầu nhập khẩu.

Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng số đầu mối nhận sản phẩm của Công ty (bao gồm cả Term và Spot) là 18 đầu mối.

Các khách hàng lớn của Công ty gồm Petrolimex (chiếm khoảng 41% doanh thu bán hàng xăng dầu), PV Oil (25%), Saigon Petro (6%), Dầu khí Đồng Tháp (5%), Thanh Lễ (4%). Bên cạnh đó, Công ty đang thực hiện đa dạng hóa cơ cấu khách hàng xăng dầu của mình, nhờ đó tỷ lệ các khách hàng khác tăng từ 9,68% năm 2013 lên 18,76% năm 2016.

Biên lãi gộp năm 2017 tăng gần 9% nhờ bãi bỏ cơ chế thu điều tiết "3-5-7"

Doanh thu của Công ty hầu hết đến từ hoạt động lõi của doanh nghiệp là lọc – hóa dầu, doanh thu đến từ dịch vụ cảng biển và các dịch vụ khác không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 0,1 – 0,2%. Doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty chủ yếu đến từ các khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Kết quả kinh doanh BSR qua các năm

9 tháng đầu năm 2017, doanh thu của Công ty đạt 54.387 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016 do giá dầu thô nguyên liệu và xăng dầu ổn định và có xu hướng tăng trong năm 2017.

Từ ngày 1/1/2017, do cơ chế thu điều tiết “3-5-7” đã được bãi bỏ hoàn toàn (kể cả đối với các sản phẩm xăng của Công ty), tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu của BSR trong 9 tháng 2017 giảm 8,8% xuống còn 88,48% doanh thu.

Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 2,76% (9T/2016) lên mức 11,52% (9T/2017).

Kế hoạch thoái vốn tại hàng loạt công ty sau IPO

Tính đến thời điểm 30/9/2017, công ty góp 742 tỷ đồng vào BSR-BF (tỷ lệ 61% vốn điều lệ), sau khi tái khởi động thành công Nhà máy Nhiên liệu sinh học Miền Trung công ty sẽ có lộ trình thoái toàn bộ vốn khỏi BSR-BF.

BSR còn góp 146 tỷ đồng, chiếm 83,26% vốn điều lệ PV Building. Theo kế hoạch, BSR sẽ thoái vốn PV Building xuống còn 51%.

Ngoài ra, BSR góp vốn vào CTCP Bảo dưỡng và Sửa chữa công trình Dầu khí (PMS), tương đương với 7 tỷ đồng. Góp vốn vào Công ty TNHH Kho ngầm Xăng dầu dầu khí Việt Nam (PVOS) với 10% vốn điều lệ, tương đương với 160 tỷ đồng, công ty mới thực góp được trên 4 tỷ đồng. Căn cứ trên kế hoạch sắp xếp năm 2016 - 2020, BSR cũng sẽ sớm thoái vốn tại 2 công ty này.

Danh sách các công ty con trong diện thoái vốn của BSR

Kế hoạch 5 năm tăng trưởng doanh thu hơn 70%

Sản lượng của BSR mang tính chu kỳ 3 năm do ảnh hưởng của hoạt động bảo dưỡng tổng thể. Trong đó, năm 2020 Công ty sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần IV dẫn đến sản lượng giảm còn 5,7 triệu tấn (giống như trường hợp năm 2017).

Năm 2021, tổng khối lượng sản phẩm sản xuất của Công ty ước đạt 5,8 triệu tấn do quá trình kết nối với dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) sẽ khiến Nhà máy phải ngừng hoạt động 2 tháng.

Từ năm 2022, sau khi NCMR hoàn thành, sản lượng Công ty sẽ tăng lên khoảng 7,9 triệu tấn cùng với dòng sản phẩm mới được sản xuất là RON97 và Asphalt (Nhựa đường parafin).

Cơ cấu sản phầm của BSR sau IPO

Mặt khác, cơ cấu sản phẩm của Công ty có thể thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm chính vẫn là xăng các loại và nhiên liệu điêzen chiếm trên 90% sản lượng.

Doanh thu của Công ty dự kiến tăng từ 78.200 tỷ năm 2018 lên 133.400 tỷ đồng năm 2022, tăng 70,65%. Doanh thu tăng trưởng nhờ tăng lên về sản lượng từ năm 2022 từ dự án NCMR và giá dầu thô được dự báo tăng lên 70 USD/thùng từ năm 2019.

Dự kiến năm 2022, Công ty đạt khoảng 3.687 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ROE 8,32%. Giai đoạn 2018 - 2022, dự kiến tỷ lệ cổ tức 7%/năm.

Kế hoạch kinh doanh BSR sau IPO

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: