Mặc dù để dân xây dựng nhà trái phép trên đất rừng, tuy nhiên Trưởng Phòng sản xuất bảo vệ rừng lại cho rằng bản thân không có khuyết điểm gì lớn, chưa tới mức phải xem xét xử lý kỷ luật.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk, vào ngày 17/8, ông Lê Đình Hùng trực trạm tại Trạm bảo vệ rừng số 3 (thuộc khoảnh 11 tiểu khu 249, thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk)
Sau đó, ông Hùng đã báo cho ông Ngô Văn Học, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cư M’lan về việc có một căn nhà gỗ được dựng trên khuôn viên Trạm Bảo vệ rừng 3. Nhận tin, ông Học đã gọi cho ông Đoàn Khắc An hỏi về căn nhà, nhưng ông An nói không biết và chỉ nghe nói anh Nguyễn Văn Quyến, Trưởng Phòng sản xuất bảo vệ rừng của công ty mượn dựng nhà để cho người nhà thu mua nông sản.
Ngay sau đó, ông Học gọi cho ông Quyến hỏi về chủ ngôi nhà dựng gần trạm 3 thì ông Quyến nói “ừ ừ” rồi nói rằng "ông An chưa trao đổi à, để khi vào anh nói chuyện”.
Mặc dù để dân xây dựng nhà trái phép trên đất rừng, tuy nhiên Trưởng Phòng sản xuất bảo vệ rừng lại cho rằng bản thân không có khuyết điểm gì lớn. Ảnh: Trang Anh
Theo kết quả đo đạc sơ bộ cho thấy, căn nhà gỗ của ông Dân dựng trái phép trong khuôn viên Trạm bảo vệ rừng số 3 có diện tích khoảng hơn 100m2. Trước sự việc trên, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk đã yêu cầu các cá nhân liên quan làm bản tường trình, kiểm điểm về việc để dựng nhà trái phép trên khuôn viên của trạm.
Tại bản kiểm điểm ngày 20/10, ông Quyến cho rằng, khu vực đất dựng nhà là của ông Nguyễn Công Dân (nguyên cán bộ của công ty-PV) đã sử dụng từ năm 2012 và có trồng hoa màu đến nay.
Khoảng năm 2015, ông Quyến có mượn đất của ông Dân để đổ gỗ của tiểu khu 272 về đó. Ngày 4/7, ông Quyến nhờ xe máy múc đang làm đường gần đó để gạt gỗ gọn lại để trả lại cho ông Dân trồng hoa màu. Nhưng sau đó, ông Dân lại tự ý làm nhà trái phép trên diện tích đất này.
Qua sai phạm trên, ông Quyến tự nhận mức hình thức kỷ luật: “Căn cứ vào quy định của pháp luật và nội quy lao động của đơn vị và trách nhiệm của Trưởng phòng Sản xuất bảo vệ rừng thì tôi nhận thấy không có khuyết điểm gì lớn, chưa tới mức phải xem xét xử lý kỷ luật; cần rút kinh nghiệm trong việc trao đổi, đề xuất kịp thời hơn với đồng chí Phó tổng giám đốc”, ông Quyến viết trong bản kiểm điểm.
Vào ngày 2/11, khi công ty mời ông Dân lên làm việc và yêu cầu ông Dân phải tháo dỡ nhà trước ngày 5/11. Tuy nhiên, ông Dân cho rằng, nếu nhà ông bị tháo dỡ thì phải tháo dỡ những nhà của hộ dân lân cận.
“Vào thời điểm 2012, khi dựng trạm phân trường công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cư M’lan thì tôi là phân trường trưởng quản lý trực tiếp ở đấy, sau này tôi mới bị điều chuyển về làm nhân viên của Phòng KHKTSX & QLBVR. Vào thời điểm đó, diện tích để xây dựng trạm đã bị người dân xung quanh chặt phá, lấn chiếm. Tôi là người đứng ra dàn xếp với người dân để cho xong chuyện mà dựng trạm.
Kinh phí làm nhà trạm là của công ty Tấn Nghiệp hỗ trợ cho công ty để làm chứ không phải tài sản của công ty tự bỏ ra.
Nếu công ty muốn tháo dỡ thì phải làm với tất cả các hộ dân xung quanh đó. Việc gạt gỗ là tôi đòi đất để làm nhà thu mua nông sản thì tôi yêu cầu ông Quyến gạt gỗ để tôi làm nhà thu mua nông sản. Công ty mời tôi lên làm việc thì tôi chỉ trả lời như vậy thôi còn công ty có lập biên bản làm việc thì tôi không kí tá gì hết”, ông Dân trả lời tại buổi làm việc.
Khi chúng tôi liên hệ với ông Dân, ông này từ chối trả lời và cho rằng có gì cứ hỏi phía công ty: “Tôi không liên quan gì cả, việc của công ty, công ty làm sao thì làm. Phải hay không phải, không liên quan gì. Cứ hỏi công ty”.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Khuyên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk cho biết, công ty được thành lập tháng 9/2016 trên cơ sở xác nhập 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh và Công ty CP Thực phẩm sữa TH Tây Nguyên.
Theo ông Khuyên, ông Dân từng là cán bộ quản lý bảo vệ rừng của lâm trường Cư M’lan, có thời gian làm phân trường trưởng nhưng hiện đã nghỉ hưu. Còn ông Quyến trước đây là Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan.
“Khi công ty mời lên làm việc về căn nhà gỗ dựng trên khuôn viên trạm bảo vệ rừng số 3, ông Dân nói đất này là do ông sang nhượng lại của một người dân khai hoang trước đó và cho công ty làm trạm ở đó.
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định đất đó hiện vẫn thuộc lâm phần của công ty. Đầu tháng 11/2017, công ty đã làm báo cáo gửi cho cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ lực lượng để tháo dỡ căn nhà gỗ dựng trái phép này. Bên cạnh đó, gửi thông báo lần 2 yêu cầu ông Dân đến hết ngày 10/11, phải tự tháo dỡ căn nhà gỗ, nếu không công ty sẽ báo cáo chính quyền và tiến hành tháo dỡ”, ông Khuyên nói.
Trang Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi