Mỹ thuật là môn học quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện, kích thích khả năng sáng tạo và cảm thụ cái đẹp. Trường Tiểu học Thạch Khê, Hà Tĩnh đã xây dựng môi trường học Mỹ thuật thân thiện, sáng tạo, giúp học sinh vừa học tập, vừa phát triển cảm xúc và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Một tiết học Mỹ thuật tại trường tiểu học Thạch Khê.
Để tạo điều kiện giúp học sinh luôn vui vẻ, hào hứng và yêu thích môn Mỹ thuật, việc xây dựng một môi trường học tập thoải mái và sáng tạo là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn thúc đẩy hiệu quả học tập, kích thích sự sáng tạo và phát triển cảm xúc cũng như trí tuệ của học sinh. Vì vậy, việc xây dựng lớp học Mỹ thuật vui vẻ và sáng tạo là trách nhiệm của cả giáo viên và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Với mục tiêu này, trong nhiều năm qua, Trường Tiểu học Thạch Khê, thành phố Hà Tĩnh đã tạo ra một môi trường giáo dục Mỹ thuật tốt nhất cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đưa phong trào nhà trường cũng như phong trào giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Xây dựng lớp học thân thiện, gần gũi và an toàn
Trường Tiểu học Thạch Khê hiện có 11 lớp với 384 học sinh. Việc xây dựng một môi trường lớp học Mỹ thuật thân thiện, gần gũi và an toàn là yếu tố quan trọng giúp khuyến khích sự sáng tạo và tạo không gian thoải mái cho học sinh khi tham gia các hoạt động nghệ thuật. Lớp học Mỹ thuật được trang trí với những màu sắc nhẹ nhàng và thân thiện, tránh sử dụng các màu sắc quá rực rỡ có thể gây phân tán sự chú ý của học sinh.
Trong mỗi tiết học, bàn ghế được sắp xếp linh hoạt để tạo không gian rộng rãi, cho phép học sinh thực hiện các hoạt động sáng tạo mà không bị gò bó. Học sinh có thể thay đổi hình thức ngồi theo nhóm hoặc ngồi riêng lẻ tùy vào từng hoạt động như vẽ cá nhân hoặc vẽ nhóm. Bàn ghế được sắp xếp theo các hình thức như chữ U, chữ M, hình tròn, xen kẽ thay đổi trong các tiết học.
Trường Tiểu học Thạch Khê xây dựng lớp học Mĩ thuật thân thiện, gần gũi, an toàn.
Lớp học còn có khu vực trưng bày sản phẩm nghệ thuật của học sinh. Tại đây, những tác phẩm của học sinh được trưng bày để các em cảm thấy tự hào về những gì mình đã tạo ra.
Đối với các chủ đề liên quan đến thiên nhiên, cảnh vật, môi trường, giáo viên tổ chức các tiết học ngoài trời tại khu vực thư viện xanh, sân cỏ nhân tạo, giúp học sinh cảm thấy mới mẻ, thoải mái và kích thích sự sáng tạo.
Tự chủ về đồ dùng dạy học
Nhằm giúp học sinh tự do lựa chọn chất liệu và hình thức sáng tạo, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh để xây dựng lớp học Mỹ thuật vui vẻ và sáng tạo ngay từ đầu năm học. Áp dụng mô hình "tủ sách dùng chung" theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tất cả các đồ dùng như sách giáo khoa, vở vẽ, màu vẽ, đất nặn và các vật liệu khác đều được sắp xếp theo khối lớp và để tại phòng Mỹ thuật, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận mà không cần phải mang theo đồ dùng học tập.
Ngoài ra, việc này cũng giáo dục học sinh thói quen giữ gìn đồ dùng học tập và rèn luyện tác phong, nề nếp sinh hoạt trong một tập thể.
Khu trưng bày các sản phẩm của học sinh.
Tạo cảm xúc cho học sinh
Tạo cảm xúc trong mỗi tiết học là yếu tố quan trọng giúp thu hút học sinh tham gia chủ động và sáng tạo. Giáo viên luôn giữ thái độ cởi mở và thân thiện, giúp học sinh cảm thấy thoải mái ngay từ khi bước vào lớp học. Những cử chỉ như nụ cười, cái vỗ tay, cái ôm thân thiện hay biểu tượng trái tim sẽ giúp học sinh cảm nhận được sự gần gũi và yêu thương.
Trước mỗi tiết học, giáo viên khởi động với các hoạt động như đọc thơ, kể chuyện, hoặc chiếu video ngắn gợi cảm xúc để học sinh hứng thú với chủ đề bài học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn động viên và khuyến khích học sinh chia sẻ cảm xúc của mình về các chủ đề bài học, đồng thời khuyến khích học sinh biểu đạt ý tưởng cá nhân thay vì chỉ chú trọng vào kỹ thuật. Học sinh cũng được khuyến khích lựa chọn chủ đề và chất liệu sáng tạo theo sở thích.
Sau mỗi tiết học, học sinh có thể viết lại hoặc vẽ lại cảm xúc mà các em đã trải qua, và áp dụng những gì đã học vào cuộc sống hàng ngày.
Lớp học tự chủ về đồ dùng dạy - học
Đưa công nghệ thông tin vào dạy học
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy Mỹ thuật mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc tăng cường hứng thú và sáng tạo cho học sinh. Giáo viên đã sử dụng các phần mềm như Paint, Canva, Pinterest, Capcut và công nghệ AI để giúp bài giảng thêm sinh động và hấp dẫn, tạo sự chú ý và thu hút học sinh.
Nhờ sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, cùng với sự tận tâm và đam mê của giáo viên, chất lượng môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Thạch Khê đã đạt được những kết quả đáng kể. Phòng học Mỹ thuật của trường luôn là điểm sáng trong các đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh. Học sinh luôn háo hức tham gia giờ học Mỹ thuật, được trải nghiệm trong không gian nghệ thuật sáng tạo.

Em Hồ Lê Lạc Hòa, giải Ba cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Hằng năm, tỉ lệ học sinh hoàn thành môn học ở trường luôn đạt mức cao, với 45-50% học sinh đạt thành tích tốt và không có học sinh nào không hoàn thành môn học. Đặc biệt, học sinh của trường cũng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghệ thuật, như em Nguyễn Thị Bảo Ly đạt giải Tư cuộc thi "Vì môi trường tương lai" lần thứ 3 và em Hồ Lê Lạc Hòa đạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới.
Các sản phẩm mỹ thuật của học sinh trường tiểu học Thạch Khê đa dạng, sáng tạo, sinh động:
Minh Hải
Theo KT&ĐU