Ngày 17.11, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 9 bị can trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tập đoàn Vinashin.
Ngày 17.11, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 9 bị can trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tập đoàn Vinashin.
Các bị can bị truy tố gồm:
Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Cửu Long; Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Cái Lân; Trịnh Thị Hậu, nguyên TGĐ Công ty tài chính MTV công nghiệp tàu thủy; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó TGĐ Công ty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên TGĐ Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh; Đỗ Đình Côn, nguyên Phó TGĐ Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.
Cáo trạng xác định: Đầu năm 2003, Vinashin tổ chức đấu thầu dự an xây dựng NMNĐ diezel Cái Lân tại Quảng Ninh với tổng mức đầu tư gần 508 tỉ đồng. Mặc dù có 4 nhà thầu cùng tham gia nhưng ông Phạm Thanh Bình và ông Tô Nghiêm đã bàn bạc giúp cho nhà thầu Na Uy trúng thầu, trong khi ông Bình biết nhà thầu này chào bán công nghệ máy móc thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt tại Trung Quốc, không đúng thông số kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo ông Nghiêm thanh toán số tiền trên 3,5 triệu USD cho nhà thầu khi dự án chưa hoàn thành, chưa chạy thử tải. Sau khi dự án này thực hiện xong, do máy móc thiết bị quá đát nên liên tục bị thua lỗ, đến năm 2009 phải dừng hoạt động, thiệt hại khoảng 66 tỉ đồng. Tương tự, tại dự án xây dựng NMNĐ Sông Hồng, ngoài việc nhập máy móc công nghệ cũ, lạc hậu, các bị can có liên quan còn thông đồng nhau làm hồ sơ giả để rút tiền từ nguồn trái phiếu quốc tế….
Trước đó, năm 2001, Vinashin mua tàu MV Rayna từ Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn nhưng sau đó thấy chất lượng còn tốt nên hoán cải thành tàu hút bùn lấy tên là Bạch Đằng Giang và giao cho Công ty tàu Viễn Dương khai thác, quản lý. Đến năm 2005, Vinashin cho Công ty Viễn Dương vay 106 tỉ đồng trích từ trái phiếu quốc tế để tiếp tục hoán cải.
Tiếp đó, ông Bình ký quyết định bàn giao lại con tàu này cho Công ty Nam Triệu quản lý và lên phương án hoán cải thành khách sạn nổi 4 sao. Nhưng sau đó, do chi phí hoán cải quá cao nên Công ty Nam Triệu lập tờ trình xin bán tàu. Do không có người mua, cuối cùng ông Trần Quang Vũ quyết định bán thanh lý vỏ tàu với giá hơn 66 tỉ đồng dù phương án này chưa được Vinashin phê duyệt. Hành vi của ông Vũ được xác định là đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 27 tỉ đồng.
Đối với dự án tàu Bình Định Star, các bị can liên quan đã cấu kết nhau ký duyệt giải ngân hàng chục tỉ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ mà không thẩm định hồ sơ vay vốn, chưa được Hội đồng quản lý nguồn vốn phê duyệt, khiến dự án này mất khả năng thu hồi vốn, thiệt hại hơn 2 triệu USD.
Đặc biệt trong vụ án này, ông Phạm Thanh Bình có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều dự án trong dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen, trên cơ sở đề nghị của Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho tập đoàn này đóng mới tàu biển cao tốc chở khách Bắc Nam.
Tuy nhiên, ông Bình đã không thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho các thành viên HĐQT, tự ý mua tàu Hoa Sen là tàu cũ của Ý để làm tàu chở khách. Không dừng lại ở đó, trong việc mua sắm con tàu này, CQĐT cũng phát hiện hàng loạt sai phạm khác như quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua tàu trước khi lập và thẩm định dự án, không làm thủ tục thẩm tra để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện chào hàng cạnh tranh.
Hậu quả, tàu Hoa Sen được đầu tư trên 65 triệu euro nhưng chỉ chạy được 39 chuyến Bắc - Nam thì phải dừng lại vì hoạt động không hiệu quả, gây thiệt hại gần 470 tỉ đồng. Trong khi chưa báo cáo Thủ tướng, chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng thì ông Bình đã vội vã phê duyệt thực hiện xây dựng NMNĐ Sông Hồng. Ước tính tổng thiệt hại các bị can gây thiệt hại khoảng 907 tỷ đồng của Nhà nước.
Dẫn đến hậu quả dự án bị đình chỉ bởi cơ quan chức năng xác định nhập công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại trên 313 tỉ đồng. Liên quan đến vụ án này còn có 2 bị can bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế là Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin) và Hồ Ngọc Tùng (nguyên TGĐ Công ty tài chính MTV công nghiệp tàu thủy).
Thắng Quang
theo Dân Việt