Sự kiện hot
8 năm trước

Truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản Việt Nam: Giải pháp khôi phục niềm tin người tiêu dùng

ĐS&TD - Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm và giúp người tiêu dùng truy xuất được đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất, tránh mua phải sản phẩm giả, sản phẩm nhái kém chất lượng, mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức triển khai Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.

Ngày nay, yêu cầu của người tiêu dùng về minh bạch thông tin đối với các sản phẩm thực phẩm là vô cùng lớn. Nhiều người tiêu dùng vì lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường mà đang dần thay đổi thói quen mua sắm và tìm đến những cửa hàng, siêu thị để mua thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, với thực tế là các siêu thị, cửa hàng hiện chỉ mới chiếm 25%, còn lại là các chợ dân sinh với lượng hàng hoá chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn chất lượng thì đây thực sự là cuộc chiến không cân sức giữa thực phẩm an toàn và không an toàn. Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… nhưng vẫn chưa đủ cho chuẩn mực chất lượng.

Truy xuất nguồn gốc điện tử - Niềm tin cho thực phẩm an toàn

Khái niệm “truy xuất nguồn gốc” vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, truy xuất nguồn gốc được biết đến như là giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Đó là hệ thống truy nguyên nguồn gốc sản phẩm cho phép người tiêu dùng trực tiếp tìm hiểu thông tin đầy đủ về nhóm hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Bên cạnh đó, còn cho phép người dùng rà soát thông tin từng công đoạn trong quy trình chế biến và phân phối sản phẩm. Ở các nước Châu Âu, Nhật Bản hay Thái Lan rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc. Ở châu Âu, từ năm 2005, EU xác định truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nông dân Thái Lan.

Tại Việt Nam đã có Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn. Tuy vậy, để xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin và truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm an toàn là cả một quãng đường dài và nhiều khó khăn. Thực tế cũng chỉ ra, giữa một rừng các sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng không thể phân biệt được dòng sản phẩm nào tốt hay không, nguồn gốc có rõ ràng? Những thông số qua mã code, mã vạch chỉ cung cấp tên sản phẩm còn thông tin về giấy chứng nhận, quy trình sản xuất, lịch sử... của sản phẩm thì người tiêu dùng hoàn toàn không được cung cấp.

Nắm bắt được thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã lên ý tưởng và thực hiện xây dựng dự án “Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn” từ hơn một năm nay. Đây cũng là dự án khoa học lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Tại Hội nghị "Triển khai Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn", ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hệ thống minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc điện tử đi vào hoạt động góp phần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Theo đó, hệ thống phần mềm quản trị này phục vụ 3 nhóm đối tượng chính là nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với nhà quản lý, giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý; logo; xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm trong hệ thống; quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác. Với người tiêu dùng, chỉ cần sử dụng thiết bị điện thoại thông minh chạy hệ điều hành iOS hoặc Android, người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc của các sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối mà mình quan tâm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm thông qua ứng dụng này và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Như vậy, phần mềm hệ thống này quản lý sản phẩm từ khi sản xuất, đóng gói đến khi sản phẩm có mặt trên kệ hàng hóa đến với người tiêu dùng thông qua dán tem nhận diện sản phẩm.

Hiện tại, phần mềm này đang được áp dụng thử nghiệm trên 350 dòng sản phẩm; trong đó Hà Nội có 150 dòng sản phẩm và 200 dòng sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác được phân phối tại Hà Nội do 5 cơ sở sản xuất và phân phối các sản phẩm này. Các dòng sản phẩm khi được đưa lên hệ thống thông tin này đều là những sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí cũng cho biết thêm: Khi áp dụng việc truy xuất nguồn gốc điện tử, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm.

Những khó khăn khi triển khai hệ thống phần mềm

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp tham gia dự án, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm sẽ góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm này sẽ giúp cho công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm tốt hơn; tạo sự tin tưởng nơi khách hàng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, xây dựng sản phẩm. Theo ông Hà Minh Đức - Giám đốc Chuỗi thực phẩm sạch CleverFood – một trong 5 cơ sở được chọn tham gia dự án nhận thấy: đây là một dự án rất ý nghĩa, phần mềm tốt, ý tưởng tốt. Khi doanh nghiệp sử dụng hệ thống này, về mặt thương hiệu của doanh nghiệp không sợ bị làm giả vì được nhà quản lý kiểm soát, sản phẩm cũng được bảo vệ nhờ mã vạch. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch (mã truy xuất) trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì thực tế việc triển khai hệ thống phần mềm này cũng tồn tại một số khó khăn như : đây là dự án đầu tiên mà Việt Nam thực hiện nên sẽ còn có nhiều va vấp. Phần mềm này cũng chỉ có tác dụng với những điện thoại thông minh nên sẽ giới hạn người sử dụng. Đại diện các doanh nghiệp cũng băn khoăn rằng giá thành tem in riêng là rất cao, gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại mặt hàng vì chi phí có thể bị đội lên cao. Và quan trọng nhất, hệ thống phần mềm này vẫn đang trong quá trình chạy thử, khi vào thực tế và khi mở rộng ra các đơn vị kinh doanh khác sẽ khó quản lý.

Dẫu sao, đây thực sự là một dự án thiết thực trong thời điểm mà vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay, nó cho thấy, người tiêu dùng không một mình chiến đấu với thực phẩm bẩn mà sát cánh với họ còn có các nhà quản lý và các nhà doanh nghiệp. Với sự quyết tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cùng các ban ngành có liên quan , các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia thì chúng ta có thể tin rằng hệ thống phần mềm này sẽ được hoàn thiện và ứng dụng hiệu quả trong tương lai gần.

Hồng Anh

Từ khóa: