Giữa làn sóng biểu tình chấn động Trung Đông; châu Âu chìm vào hỗn loạn tài chính; động đất - sóng thần và thảm hoạ hạt nhân Nhật Bản cướp đi sinh mạng hàng nghìn người và phong trào "chiếm lấy phố Wall" từ Mỹ lan sang cả bên kia bờ Đại Tây Dương... thì có lẽ những đổi thay tương đối yên bình và lặng lẽ ở Đông Nam Á dường như không được chú ý tới.
Giữa làn sóng biểu tình chấn động Trung Đông; châu Âu chìm vào hỗn loạn tài chính; động đất - sóng thần và thảm hoạ hạt nhân Nhật Bản cướp đi sinh mạng hàng nghìn người và phong trào "chiếm lấy phố Wall" từ Mỹ lan sang cả bên kia bờ Đại Tây Dương... thì có lẽ những đổi thay tương đối yên bình và lặng lẽ ở Đông Nam Á dường như không được chú ý tới.
Sau đây là những câu chuyện lớn nhất trong khu vực suốt một năm qua.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Myanmar Ảnh: Reuters
Cải cách của Myanmar
Sau nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đã tiến hành hàng loạt cải tổ trong lộ trình hướng tới dân chủ. Ngày 4/2, quốc hội Myanmar đã nhóm họp để bầu Tổng thống dân sự đầu tiên. Và ông U Thein Sein đã trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar sau 50 năm dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Tại diễn văn nhậm chức, ông Thein Sein tuyên bố với người dân trong nước và thế giới bên ngoài rằng, Myanmar muốn hội nhập vào sân chơi khoáng đạt và bình đẳng của thế giới trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu. Một loạt các biện pháp về đối nội và đối ngoại được thực thi với tốc độ kỷ lục. Nhưng có lẽ chuyển biến quan trọng nhất là Tổng thống Thein Sein mời lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự một cuộc họp ở Naypyidaw, cho phép bà và đảng của bà tham gia tranh cử. Ông dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số...Thông điệp của nước Myanmar mới, càng rõ ràng hơn khi Tổng thống Thein Sein khẳng định ông muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và dỡ bỏ cấm vận của phương Tây.
Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới quốc gia này trong chuyến công du đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Mỹ suốt nửa thế kỷ qua.
Bầu cử ở Singapore
Cựu phó thủ tướng Tony Tan đã được bầu làm tổng thống thứ bảy của Singapore. Giành 35% tổng số phiếu bầu, nhiều người coi chiến thắng của ông Tan là sự "nới lỏng" chính trị của đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền giữa lúc xuất hiện những lời kêu gọi thay đổi. Trong một đất nước tương đối ôn hoà về chính trị như Singapore, bầu cử tổng thống là một sự kiện thông thường, nhưng cuộc bầu cử năm nay thu hút sự chú ý nhiều hơn bởi thời điểm diễn ra sự kiện là chỉ đúng ba tháng sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5, nơi PAP giành 60,1% lá phiếu - mức thấp nhất từ trước tới nay, cho dù vẫn có tới 81/87 ghế ở nghị viện.
Trong cuộc tuyển cử tháng 5, các chiến dịch vận động của PAP đã phải đối mặt với sự bất mãn từ người dân vì giá cả tăng vọt, rồi cạnh tranh với người nước ngoài trong việc làm, nhà ở. Phát biểu trên truyền hình sau cuộc bầu cử quốc hội, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: "Cuộc bầu cử này đánh dấu sự thay đổi khác biệt trong bối cảnh chính trị của chúng ta - điều mà tất cả chúng ta cần phải điều chỉnh. Rất nhiều người Singapore mong muốn chính phủ áp dụng một phong cách và sự tiếp cận khác. Chúng tôi nghe thấy tiếng nói của các bạn. PAP sẽ rút ra bài học từ cuộc bầu cử này và sửa chữa sai lầm”.
Bầu cử ở Thái Lan
Đảng Puea Thai giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan vào tháng 7, khiến Yingluck Shinawatra - em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của vương quốc này, cho dù bà hầu như không được biết tới vào những tháng trước bầu cử. Cuộc bầu cử diễn ra sau những năm bất ổn chính trị mà đỉnh cao là những cuộc biểu tình và trấn áp người biểu tình Áo đỏ trong tháng 5/2010.
Trong nỗ lực trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, Yingluck nói rằng bà dự định sẽ sử dụng lợi thế của một phụ nữ để thúc đẩy hòa giải dân tộc và muốn một cơ hội để chứng tỏ bản thân. "Tôi sẵn sàng đấu tranh theo luật và tôi muốn có cơ hội để chứng tỏ mình. Tôi muốn được các bạn tin tưởng như các bạn từng tin tưởng anh trai tôi", Yingluck nói tại một hội nghị của đảng Puea Thai ở Bangkok. "Tôi sẽ dùng lợi thế nữ tính của mình để phụng sự hết mình cho đất nước chúng ta".
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono Ảnh: wordpress
Sự trỗi dậy của Indonesia
Indonesia đã có màn trình diễn hoàn hảo về kinh tế và chính trị trước khu vực cũng như thế giới. Nền kinh tế được mở rộng, tầng lớp trung lưu bùng nổ với tốc độ tiêu dùng chưa từng có trước đây. Thương mại và đầu tư phát triển mạnh bởi các nguồn tài nguyên tự nhiên của quốc đảo này như than đá, dầu cọ và thiếc. Indonesia làm chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, chủ trì các hội nghị thượng đỉnh liên quan trong suốt năm.
Trong khi tiếp tục cuộc đấu tranh với các vụ bê bối tham nhũng và tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, thì nước này vẫn không ngừng thu hút hàng tỉ đô la đầu tư nước ngoài, tăng trưởng GDP đạt hơn 6%. Lần đầu tiên sau 14 năm, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings phục hồi lại mức xếp hạng đầu tư cho Indonesia, đưa nước này có cùng mức xếp hạng đầu tư với Ấn Độ. Fitch cho biết, nền kinh tế Indonesia đã phục hồi trở lại, mức dư nợ chính phủ cũng xuống thấp hơn và đặc biệt hoan nghênh các chính sách kinh tế thận trọng của quốc gia này. Quyết định nâng mức xếp hạng trên dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư hơn nữa vào nền kinh tế Indonesia.
Cựu tổng thống Philippines Arroyo bị bắt giữ
Giữa tháng 11, một nguồn tin Philippines cho biết, cựu tổng thống nước này, bà Gloria Arroyo đã bị bắt giữ tại một bệnh viện ở Manila. Trước đó, một tòa án Manila phát lệnh bắt giữ bà Arroyo vì những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007. Động thái bắt giữ bà Arroyo là diễn biến cao điểm của một tuần biến động trên chính trường Philippines. Bà Arroyo, 64 tuổi, bị chính quyền cấm xuất cảnh cho dù đã đến sân bay Manila trong bộ dạng bệnh tật nặng phải ngồi trên xe lăn và phải nẹp cổ.
Mặc dù Tòa án Tối cao Philippines đã cho phép bà Arroyo ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng chính quyền đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh ngăn cựu lãnh đạo này rời khỏi đất nước đồng thời đẩy nhanh tiến trình cáo buộc bà Arroyo vi phạm luật bầu cử. Bà Arroyo giữ cương vị Tổng thống Philippines từ năm 2001 sau khi người tiền nhiệm, Joseph Estrada bị buộc phải từ chức với những cáo buộc tham nhũng.
Thái An
Theo Vietnamnet