Ủng hộ quyền tự chủ của giáo dục đại học, ĐBQH cho rằng quyền này giống như hơi thở đối với con người, "người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không thể nhịn thở được".
Ủng hộ quyền tự chủ của giáo dục đại học, ĐBQH cho rằng quyền này giống như hơi thở đối với con người, "người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không thể nhịn thở được".
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học (GDĐH).
Theo Chủ nhiệm UB VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi, tổng hợp các ý kiến góp ý cho dự thảo luật, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật GDĐH.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự án luật chưa có sự đánh giá đầy đủ về tầm quan trọng, căn cứ pháp lý xây dựng luật cũng như còn né tránh nhiều vấn đề quan trọng; nội dung các quy định trong dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đồng bộ, cụ thể, khả thi của một luật chuyên ngành; cần lấy ý kiến rộng rãi hơn để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình thông qua.
Một trong số các nội dung được ĐBQH tập trung cho ý kiến là quy định về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH.
Ủy ban TVQH cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của Luật này.
Theo đó, dự luật đã được điều chỉnh theo hướng hạn chế quyền tự chủ của cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ và quy định rõ chế tài xử lý cơ sở GDĐH có hành vi vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ.
ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng (Ảnh: VNN).
Thảo luận tại hội trường, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhất trí với việc tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở GDĐH, là xu thế quốc tế chứ không thể nào tránh được.
“Nó cũng giống như hơi thở đối với con người, người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc, chứ không thể nhịn thở được”.
Nhưng ĐB Đáng cho rằng, nếu dự luật xác định quyền tự chủ giống như một phần thưởng, làm tốt thì thưởng cho quyền tự chủ, làm không tốt thì phạt cắt bớt quyền tự chủ “như vậy là không được”.
ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cũng nhận định, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH trong 6 hoạt động chủ yếu trong nhà trường (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự tài chính và tài sản, đảm bảo chất lượng…) là một sự tiến bộ rất lớn trong việc tiếp thu chỉnh lý của dự thảo luật lần này.
Cũng theo ĐB Hải, trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã có hơn 100 trường trên tổng số 400 trường mới được thành lập 10 năm trở lại đây, do đó các trường có đặc điểm lịch sử cũng như điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng.
“Vì vậy, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng được” – ĐB Hải nói.
ĐB này đề xuất, giao quyền tự chủ cần phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường, điều này sẽ khuyến khích các đơn vị trường học nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ.
Cũng theo ĐB Hải, với thực trạng của giáo dục hiện nay ở nước ta, nếu tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ ngay thì “e rằng sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát làm ảnh hưởng chất lượng GDĐH”.
Theo đó, ĐB Hải đồng tình với quy định việc thu hồi quyền tự chủ đối với các cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm. Cùng với đó, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở phân tầng và có lộ trình thích hợp.
ĐB Hải ví dụ, thời gian qua Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã thu hồi quyền tự chủ và cho dừng công tác tuyển sinh đối với một số trường không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm ví dụ như trường đại học Công nghệ Đông Á, Đại học Phan Chu Trinh... Cho thấy, nếu cho quyền tự chủ ngay cho các trường mới được thành lập chưa đủ mạnh về quản lý và hoạt động giáo dục thì sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội.
Cũng liên quan đến quyền tự chủ, nhiều ý kiến ĐB nhất trí với quy định cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh; quy định chế tài chặt chẽ đối với vi phạm về tuyển sinh.
Về vấn đề này, trong báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban TVQH cho rằng, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là phù hợp với xu thế chung.
Theo đó, dự thảo Luật đã quy định cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm tương quan giữa phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.
Dự thảo luật cũng giao cho cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh - quy định này được nhận định là hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Kiều Minh
theo VTC News