Với ý đồ “loại bằng được nhà thầu”, nhiều bên mời thầu (BMT) coi hồ sơ mời thầu (HSMT) là “ma trận” giăng bẫy và việc làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT) là cơ hội triệt tiêu sự cạnh tranh của nhà thầu. Đây là tình trạng đáng quan ngại, trái với tinh thần của pháp luật về đấu thầu.
Những chiêu thức tinh vi
Một gói thầu xây dựng dân dụng tại tỉnh Đắk Lắk từng khiến các nhà thầu dậy sóng bởi những yêu cầu rất… oái oăm trong HSMT. Đầu tiên, HSMT yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh về quy mô công trình tương tự, gồm: quyết định phê duyệt thiết kế của cấp có thẩm quyền, báo cáo kết quả địa chất công trình… Theo các nhà thầu, đây đều là những văn bản mà chỉ có chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước mới có và nhà thầu không thể cung cấp được.
Cũng trong HSMT của gói thầu này, nhà thầu điểm mặt rất nhiều tiêu chí hạn chế cạnh tranh. Đó là yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình có nền móng xây dựng trên nền đất sét hoặc sét pha; yêu cầu chỉ huy trưởng đã làm chỉ huy trưởng hoàn thành ít nhất 3 công trình xây dựng dân dụng cấp III trở lên, có giá trị tương đương với gói thầu đang xét trên vùng Tây Nguyên…
Kiến nghị của nhà thầu nêu rõ, các tiêu chí này không tuân thủ Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Phản bác lại các kiến nghị trên, BMT khẳng định: “Chỉ thị số 47 không có bất kỳ nội dung nào về việc không được đưa ra tiêu chí về địa chất đối với hợp đồng tương tự đã thực hiện. Do đó, việc đưa ra tiêu chí này trong HSMT là hoàn toàn phù hợp, không vi phạm pháp luật về đấu thầu và Chỉ thị số 47”. Thậm chí, BMT còn hùng hồn tuyên bố: “Yêu cầu về hợp đồng tương tự với gói thầu đang xét trên vùng Tây Nguyên là phù hợp với Nghị định 63/2014/NĐ-CP”. BMT còn “vận dụng” Chỉ thị số 47 để khẳng định, về nhân sự, chỉ không được yêu cầu phải đóng bảo hiểm, đang ký hợp đồng với nhà thầu…, chứ không cấm nhân sự đó đã từng thi công công trình ở địa bàn nào.
HSMT một gói thầu tư vấn giám sát thi công tại TP.HCM cũng thể hiện trình độ “lồng ghép” và “cài cắm” tạo nên “ma trận” giăng bẫy nhà thầu. Theo đó, hợp đồng tương tự mà HSMT yêu cầu gồm: công trình xây dựng trường đại học, hệ sau đại học, học viện, cao đẳng, công trình giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước, công trình có chứng nhận chất lượng cao… Tất cả đều được tính theo điểm cộng rất cao và chỉ cần nhà thầu không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào thì điểm kỹ thuật sẽ bị đánh tụt.
BMT khẳng định, “tiêu chí chấm điểm như trên là tăng tính cạnh tranh bởi đây là công trình đặc biệt”.
Tăng cơ hội cạnh tranh
Tại Hội nghị Tăng cường năng lực về đấu thầu tại khu vực phía Nam vừa qua, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nhận được nhiều câu hỏi từ chính các đơn vị làm chủ đầu tư (CĐT)/BMT. Nhiều câu hỏi trong số đó vẫn nặng về việc “làm thế nào để loại nhà thầu”.
Ông Trần Đăng Quang, Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu nhiều lần khẳng định, tinh thần lớn nhất của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn chính là lựa chọn nhà thầu trên cơ sở cạnh tranh, minh bạch. Do đó, việc một CĐT/BMT luôn cố gắng để loại bằng được nhà thầu là đi ngược tinh thần này.
“Cả hai Chỉ thị về chấn chỉnh công tác đấu thầu (Chỉ thị số 47/CT-TTg và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT) đều thể hiện xuyên suốt tinh thần khuyến khích cạnh tranh trong đấu thầu, từ lập HSMT đến đánh giá HSDT. Trong đó, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT thể hiện tinh thần chống lợi dụng việc làm rõ HSDT để phục vụ cho việc cố tình làm khó, loại bằng được nhà thầu không thân hữu. Trong khi đó, đối với nhà thầu quen thì BMT làm lơ, bỏ qua. Điều này dẫn tới những sai lệch trong việc áp dụng quy định về đấu thầu, tước bỏ cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu”, ông Quang bình luận.
Trong số các gói thầu có kiến nghị kéo dài liên quan đến HSMT, đánh giá HSDT không thấy sự xuất hiện kịp thời của Sở KH&ĐT tại địa phương. Điều này dẫn tới, các CĐT/BMT vẫn luôn tự tin mình đang làm đúng, chưa có chấn chỉnh kịp thời khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Các chuyên gia về đấu thầu khẳng định, đối với những gói thầu mà HSMT thể hiện nhiều tiêu chí bất cập, Sở KH&ĐT cần có kiểm tra, rà soát để kịp thời đưa ra biện pháp chấn chỉnh. “Có như vậy, những câu chuyện cài cắm, giăng bẫy nhà thầu sẽ dần ít hơn. Từ đó tạo ra tinh thần tích cực, động lực lớn cho các nhà thầu cạnh tranh”, chuyên gia Phạm Minh Yến thuộc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu) chia sẻ.
Hải An
Theo Báo Đấu thầu