Sự kiện hot
13 năm trước

Từ gà Đức tới rau Việt Nam

Dư luận đang lo lắng việc chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm. Chúng tôi giới thiệu bài viết này như một tham khảo cách làm: chính sách, pháp luật, người dân, hội đoàn, công quyền, xử sự như thế nào vì sức khoẻ, giống nòi dân tộc.

Dư luận đang lo lắng việc chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm. Chúng tôi giới thiệu bài viết này như một tham khảo cách làm: chính sách, pháp luật, người dân, hội đoàn, công quyền, xử sự như thế nào vì sức khoẻ, giống nòi dân tộc.

Không thể không lo ngại trước hệ luỵ tới sức khoẻ cộng đồng và nguy cơ suy thoái giống nòi trước dư lượng hoá chất cấm lại được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Thanh Hảo

Trước đây, châu Âu sản xuất trứng bằng phương pháp nuôi nhốt gà đẻ trong chuồng hẹp. Đó là những dàn khung sắt, chứa đầy gà đứng nằm một chỗ. Mỗi con chiếm diện tích chừng một trang giấy viết A4, chồng lên nhau, xếp tận trần kín mít, vừa giảm hàng chục lần diện tích chuồng trại so với thả rông, vừa giữ gà ở trạng thái về đêm, dễ đẻ. Nhưng cũng như người, khi bị giam cầm, chúng tù túng, đau đớn, và dân chúng yêu quý vật nuôi phản đối. Với chính sách bảo vệ động vật, do người dân đòi hỏi, EU đã dự thảo luật cấm cách nuôi trên cách đây hơn mười năm, và có hiệu lực từ 1.1.2012.

Từ đầu năm nay, toàn châu Âu có chừng 50 – 80 triệu trại gà, chiếm 25% tổng số, phải bỏ phương pháp này, dẫn tới sản xuất trứng đình đốn. Cả châu Âu, mỗi ngày thiếu chừng 100 triệu quả trứng. Tại Pháp mỗi tuần thiếu chừng 21 triệu quả, đẩy giá trứng tăng lên tới 75% so với sáu tháng trước. Ở Đức, hiện giá trứng vống lên, có nơi từ 0,109 euro/quả lên 0,20 euro/quả.

Mặc dù vậy, người dân Đức vốn từng đấu tranh, biểu tình đòi bảo vệ vật nuôi, vẫn sẵn sàng chấp nhận thiếu trứng, giá tăng, ủng hộ luật cấm nuôi nhốt gà đẻ chuồng hẹp. Hội bảo vệ động vật “Vier Pfote” khuyến cáo những người yêu quý vật nuôi, nên xem kỹ trứng, tránh mua phải trứng gà nuôi nhốt. Phía chính quyền đưa ra quy chuẩn đóng mác nhãn trên trứng, giúp người dân chống nuôi nhốt gà chuồng hẹp, không mua nhầm trứng. Riêng trứng chín và trứng nhuộm không thể đóng dấu, các mặt hàng thực phẩm dùng trứng cũng vậy, bị hiệp hội Bảo vệ động vật khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua, vì e ngại có nguồn gốc nuôi nhốt.

Chính sách được thực thi với ý thức cao như vậy, bởi do chính người dân đấu tranh vì nó, văn bản luật cũng vì nó, lại được giới lập pháp thiết kế chuẩn mực, bảo đảm cho bộ máy hành chính thực thi công minh.

Cùng lúc với mặt hàng trứng, mặt hàng rau thơm Việt Nam nhập khẩu vào Đức cũng rơi vào khủng hoảng thiếu, với lý do ngược lại. Cả nước Đức hiện có chừng 4.000 nhà hàng, thực phẩm Á châu, chưa kể số lượng người châu Á, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... sống ở Đức mỗi dân tộc trên dưới 100.000 người. Nhu cầu rau thơm Á châu rất lớn. Xưa nay, chúng nhập khẩu qua đường hàng không, không hề có mác, dễ dàng lọt cửa hải quan, chỉ cần trình vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch, là đủ. Thỉnh thoảng, hải quan Đức cho lấy một vài mẫu rau thơm kiểm tra dư lượng hoá chất trừ sâu, thấy quá ngưỡng quy định, thì tịch thu huỷ bỏ, lần sau vẫn nhập tiếp được.

Cuối năm ngoái, sau khi kiểm tra xác suất chục mặt hàng rau thơm của mấy công ty người Việt nhập khẩu trong ba tháng liên tục, thấy hầu hết dư lượng thuốc trừ sâu đều gấp từ hàng trăm tới hàng ngàn phần trăm mức cho phép, hải quan sân bay Frankfurt/M lập tức gửi kết quả tới sở Vệ sinh nơi các công ty xuất nhập khẩu đóng trụ sở, yêu cầu kiểm tra xử lý. Theo quy trình pháp lý, nhân viên sở tới các cửa hàng bán lẻ thực phẩm, chìa thẻ công vụ lấy mẫu rau thơm, lập biên bản yêu cầu chủ cửa hàng xác nhận mua của ai, từ bao giờ, mang về kiểm tra dư lượng hoá chất; kết quả khớp với hải quan.

Đúng quy trình xử lý sai phạm, họ lập tức mời công ty nhập khẩu tới, chiếu theo lần lượt từng điều khoản luật EU số 852/2004 về vệ sinh thực phẩm, cùng đánh giá sai phạm; bước một yêu cầu khắc phục; do tái vi phạm, họ áp dụng tiếp bước hai ra tối hậu thư cho thử thách một tháng. Suốt ba tháng theo dõi, họ liên tục quần thảo, khám xét tại chỗ ráo riết, cả ôtô, hàng hoá của công ty nhập khẩu, lẫn kho tàng, cửa hàng bán lẻ thực phẩm, không để lọt bất cứ sai phạm nào.

Theo luật EU 852/2004, 1- Khi nhập khẩu, công ty phải tự lấy tất cả mẫu rau của mình mang giám định độc lập dư lượng hoá chất trừ sâu. Chỉ được phép nhập, khi chúng dưới ngưỡng cho phép. Phía sở Vệ sinh cũng kiểm tra xác suất, làm đối chứng. Nghĩa là cả người kinh doanh lẫn chính quyền đều phải có trách nhiệm kiểm tra. Doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí, mỗi loại rau giám định mất vài trăm euro, tính cho tất cả mặt hàng, mất dăm ngàn euro. Trớ trêu, lần nhập khẩu cuối cùng, kết quả giám định, riêng mặt hàng rau muống, trong tổng số 287 hợp chất phải kiểm tra, có một hợp chất gấp tới 6.750 % ngưỡng cho phép. Mặc dù, công ty nhập khẩu không tiếc công sức, tiền bạc, tìm kiếm nguồn rau thơm trong nước ít dư lượng hoá chất, nhưng kết quả rất ít mặt hàng đạt ngưỡng quy định, bởi rau Việt Nam, nói chung không thuốc trừ sâu không chỉ không đẹp, mà cơ bản sẽ bị sâu rầy phá hoại, rau bị sâu cũng cấm nhập nốt. Nghĩa là dùng thuốc trừ sâu hay không cũng khó nhập vào Đức.

2- Công ty trồng rau thơm phải có chứng chỉ chất lượng EU cấp, như hiện áp dụng cho nuôi trồng thuỷ sản trong nước. Đây là điều kiện bất khả kháng đối với các làng nghề trồng rau ở Việt Nam, bởi họ chưa lớn tới mức như nuôi trồng thuỷ sản, đủ kinh phí đầu tư để lấy giấy chứng chỉ EU. Giấy cao nhất của họ, mà công ty nhập khẩu có thể trình là giấy chứng nhận, do chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cấp, trông như giấy khen, với đúng một câu nội dung: “Đã được thẩm định đủ điều kiện sản xuất rau an toàn”, mà không nêu điều kiện gì, sản phẩm phải như thế nào, khiến sở Vệ sinh Đức sững sờ, càng không thể tin được chất lượng rau Việt Nam.

3- Rau thơm phải đóng túi dán nhãn mác, có chỉ dẫn đầy đủ, tên, địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói, xuất khẩu, thời hạn sử dụng, trọng lượng... Oái oăm cho chuyến nhập khẩu tiếp theo, sở Vệ sinh đón lỏng kiểm tra tại chỗ. Lần đầu tiên, nhãn được dán lên túi ni lông đựng rau thơm chỉn chu như của “Tây”. Nhưng nhân viên sở Vệ sinh phát hiện có túi như rau cần ta nặng tới 500g, nhưng lại ghi 100g, do trong nước đánh máy đồng loạt nhãn nên tưởng nhầm gói rau nào cũng 100g, bị cáo buộc đóng gói lừa đảo. Chưa hết, vô số túi dưới đáy hộp, sót không dán nhãn, tức tái phạm quy định. Nghĩa là nơi trồng, xuất khẩu rau trong nước rất xa lạ với quy cách an toàn thực phẩm thế giới. Hậu quả, chúng buộc phải cho vào máy nghiền rác, giám sát huỷ tại chỗ, với lý do được sở Vệ sinh tuyên bố: “Chúng tôi phải bảo đảm niềm tin cho người tiêu dùng”. Có sở Vệ sinh, họ hoàn toàn yên tâm, không bị đầu độc. Chỉ trong vòng ba tháng, có công ty nhập khẩu rau thơm lỗ hàng chục ngàn euro mà vẫn không tìm nổi lối thoát trước rào cản ngặt nghèo của luật pháp họ, trước nhân viên công quyền hành xử chuẩn xác của họ, rốt cuộc phải đóng cửa. Một thị trường tưởng ưu thế tầm tay, Việt Nam đã không theo kịp thời đại hội nhập, để vuột!

Khi được sở Vệ sinh mời tới trao lệnh cấm nhập khẩu, công ty nhập khẩu trần tình, nước tôi không thuốc trừ sâu, rau không thể xanh tươi thơm ngon được. Viên giám đốc bức xúc hỏi lại: “Nhưng nước các ngài ăn để sướng hay để chết?” Câu hỏi này, có thể nước mình, nhiều người dân không mấy quan tâm, một khi chưa hề thấy ai ăn xong chết ngay. Nhưng những ai trăn trở tới vận mệnh, tiền đồ dân tộc không thể không trả lời, bởi hệ luỵ ghê gớm tới sức khoẻ cộng đồng và nguy cơ suy thoái giống nòi trước dư lượng hoá chất gấp tới 6.750% ngưỡng cho phép như đối với rau muống, thuộc loại rau chủ chốt trong bữa ăn hàng ngày của cả nước.

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Theo SGTT

Từ khóa: