Sự kiện hot
7 năm trước

Từ U23 Việt Nam, nhìn lại hành trình bầu Đức làm nên giấc mơ bóng đá trẻ

Chia sẻ trước thềm trận chung kết U23 châu Á giữa Việt Nam - Uzbekistan, bầu Đức nói: "Chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực đồng thời có trình độ văn hóa. Đây là cơ hội giúp Việt Nam đủ sức chinh phục không chỉ giải đấu châu lục mà còn tiến xa hơn ở những giải đấu thế giới trong thời gian tới".

Giấc mơ bóng đá

Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL), một trong 3 ông bầu có công tư nhân hóa bóng đá Việt Nam (cùng với bầu Kiên và bầu Thắng) khi mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai năm 2001.

Ngay lập tức, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League. Vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu số 1 quốc gia cùng với đó là những thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá Việt Nam như đưa danh thủ Thái Lan Kiatisak hay cầu thủ Việt Kiều Lee Nguyễn về HAGL đã thể hiện độ chịu chơi của ông bầu này.

Ngày 5/3/2007 là ngày đặt dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất là 5 ha cao su. Lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch, có thể đem về cho bầu đức 300 triệu đồng/ha/năm, thời điểm năm 2007.

Suốt 10 năm, bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL - JMG. Chưa kể, để chăm sóc cho những đứa "gà cưng" như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... và bây giờ là các học viên khóa III, mỗi năm bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài.

Học viên HAGL Arsenal - JMG lứa đầu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL – JMG sau 9 tháng đầu năm 2017 là hơn 48 tỷ đồng, con số này cùng kỳ năm 2016 là gần 58 tỷ đồng. Chi phí đào tạo trong một năm rơi vào khoảng từ 60 – 70 tỷ đồng. Tổng số tiền vận hành dự án bóng đá, bầu Đức đã tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng.

Năm 2016, Tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Bầu Đức đứng trước những thử thách một mất một còn khi phải sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.

Đáng chú ý trong số đó có công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arsenal - JMG được mang ra thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng của công ty với hợp đồng có lãi suất 5-10,5% và có thời hạn thanh toán từ ngày 25/1 đến 11/9/2016.

"Thời điểm đó, đánh giá chung khả năng tồn tại của HAGL là khó, có người muốn chia sẻ đã nói với anh Đức là giao lại Học viện để họ làm. Nhưng anh Đức kiên quyết từ chối. Anh khẳng định, dù có khó khăn cỡ nào thì có hai thứ anh sẽ luôn giữ lại là Học viện HAGL Arsenal JMG và bệnh viện HAGL. Dĩ nhiên, giữ lại với hình thức nào thì chưa biết nhưng anh sẽ cố gắng giữ lại vì đó là ước nguyện của anh", ông Nguyễn Tấn Anh (Trưởng đoàn HAGL) chia sẻ với báo chí ngày kỷ niệm Học viện HAGL Arsenal JMG tròn 10 năm tuổi.

Từ phong cách chuyển nhượng mua bán cầu thủ theo phong cách của "người có tiền", bầu Đức trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo bóng đá trẻ và kiên quyết theo đổi con đường đó. Theo gót ông, hàng loạt trung tâm bóng đá trẻ mọc lên chấp cánh cho “giấc mơ bóng đá Việt Nam” bay cao hơn…

Chiến công của U23 Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống (Ảnh: Zing)

Chiến công của U23 Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống

Trước thềm trận chung kết bóng đá U23 châu Á giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, bầu Đức chia sẻ “Chiến công của U23 Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống”.

Bầu Đức cho rằng, nếu nhìn nhận từ gốc rễ, nguyên nhân thành công của đội tuyển đến từ yếu tố con người. Các cầu thủ đều đã được giáo dục, rèn luyện bài bản qua các lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp.

Vị chủ tịch HAGL nhấn mạnh công tác đào tạo trẻ vì đây là chìa khóa thành công bền vững và thuyết phục nhất. Các chiến công vừa qua của U23 không từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện ăn may mà là quả ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo trẻ. Các cầu thủ của U23 không phải là tay ngang mà đều đến lò đào tạo như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...

“Chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực đồng thời có trình độ văn hóa. Tôi tin rằng, làn sóng các lò đào tạo trẻ sẽ tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều trên cả nước. Đây là cơ hội giúp Việt Nam đủ sức chinh phục không chỉ giải đấu châu lục mà còn tiến xa hơn ở những giải đấu thế giới trong thời gian tới.”, bầu Đức đặt niềm tin vào thế hệ cầu thủ trẻ.

Chỉ còn vài giờ nữa, trận chung kết bóng đá U23 châu Á sẽ chính thức diễn ra. Giữa cái lạnh của Thường Châu, Trung Quốc, những trái tim Việt Nam vẫn đang nóng hổi. Trong một bài phỏng vấn với báo chí quốc tế, cầu thủ Lương Xuân Trường trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal – JMG cho biết, nguyên nhân chiến thắng của đội tuyển Việt Nam chính nằm ở tinh thần chiến đấu. Đây là thứ không thể ngày một ngày hai dễ dàng có được, nó phải trải qua quá trình tôi luyện, đào tạo bài bản, những cầu thủ chỉ mới hơn đôi mươi nhưng đã có nửa quãng đời đang sống dành để thi đấu tại các giải đấu lớn nhỏ.

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: