Giá tiêu tại các vùng trồng hồ tiêu như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông và Đồng Nai hiện dao động từ 90.000 - 105.000 đồng/kg.
Từ vườn ra chợ, hạt tiêu tăng giá gấp 4 - 8 lần (Ảnh:C. Nhân)
Nhiều nhà vườn trồng hồ tiêu cho biết mức giá này đã tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tiêu nội địa tăng là do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp tăng giá thu mua để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Đáng nói là trong khi người nông dân bán tiêu với giá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng nội địa vẫn cao ngất ngưởng trong hơn một năm qua.
Theo khảo sát tại các chợ và siêu thị ở TP.HCM, tiêu thường được bán dưới dạng đóng gói 100 gr có giá thấp nhất khoảng 35.000 đồng. Một số loại đóng chai, lọ có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/100 gr tùy loại và nhà sản xuất. Như vậy, tính ra hạt tiêu đến tay người tiêu dùng có giá 350.000 - 800.000 đồng/kg, cao gấp 4 - 8 lần so với giá tiêu nguyên liệu.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng gia vị cho biết: Sản phẩm chủ yếu là tiêu nguyên hạt, tiêu sọ và tiêu xay. Khâu chế biến và đóng gói cũng khá đơn giản nên giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp tạo thêm không đáng là bao. Dù giá tiêu nguyên liệu đã giảm hơn một nửa cả năm nay nhưng người tiêu dùng vẫn mua với giá cao do đây là gia vị, không phải sản phẩm thiết yếu, nhu cầu tiêu dùng thấp và người dùng ít quan tâm tới giá cả. Do vậy, các nhà sản xuất cố tình neo giá cao để hưởng lãi khủng từ thị trường trong nước, bù đắp cho tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Từ giữa năm 2016 đến nay xu hướng chung của giá tiêu là giảm. Khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 165.000 tấn và 889 triệu USD, tăng 21,6% về khối lượng nhưng giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 5.490 USD/tấn, giảm 32,4% so cùng kỳ 2016.
C.Nhân - M.Phương
Theo Thanh niên