Tuần 29/1-2/2 ghi nhận VN-Index sụt giảm cả về điểm số và thanh khoản. Nhóm ngân hàng giữ được nhiệt nhưng nhiều nhóm ngành khác lại không khả quan. Đáng chú ý, khối ngoại lần đầu có phiên bán ròng trên HOSE trong năm 2018 vào tuần này.
Thanh khoản sụt giảm, khối ngoại lần đầu có phiên bán ròng trên HOSE
Tuần 29/1-2/2, VN-Index đạt 1.105,04 điểm, HNX-Index đạt 123.97 điểm, UPCoM-Index đạt 58,84 điểm.
Mở đầu tuần, VN-Index giảm gần 6 điểm. Dù nhóm ngân hàng và chứng khoán có phiên giao dịch tích cực nhưng thị trường đón nhận sức ép từ đà giảm của các cổ phiếu trụ như SAB, VNM đồng thời đến từ nhiều nhóm ngành khác như thép, nhựa hay cao su. Phiên tiếp theo đó sắc xanh VN-Index được lấy lại nhưng áp lực bán ra trên diện rộng khiến thị trường rung lắc hai phiên sau đó. Một lần nữa vào nhờ đóng góp từ nhóm VN30 và đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán giúp phục hồi thị trường vào cuối tuần.
Thanh khoản tuần này trên HOSE giảm đáng kể nhưng trên HNX tăng nhẹ. Đáng chú ý phiên ngày 2/2, HOSE chỉ có thanh khoản hơn 200,3 triệu đơn vị (tương ứng gần 5.995 tỷ đồng), thấp nhất từ đầu năm.
Khối ngoại ghi nhận lần đầu tiên bán ròng trên HOSE kể từ đầu năm 2018 vào phiên 29/1 và tiếp tục bán ròng vào phiên sau đó, tập trung vào HPG. Nhưng ba phiên cuối tuần mua ròng trở lại tập trung vào các mã như VIC hay MWG.
Tuần 29/1-2/2, VN-Index sụt giảm cả về điểm số và thanh khoản (ảnh minh họa)
Một số mã tăng hưởng lợi từ kết quả kinh doanh
Trên HOSE, Fuchvreit (Quỹ Đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam) tăng mạnh nhất với 30,6% lên 11.750 đồng/cp.
Kế đến là PMG (CTCP Đầu từ và Sản xuất Petro Miền Trung) với 23,7% lên 22.200 đồng/cp. Tuần trước đó, PMG thậm chí còn dẫn đầu top tăng tính trên HOSE. Một mã khác tiếp tục nằm trong top tăng là VPG (CTCP Đầu tư Thương mại XNK Việt Phát) với 13,3%.
HAR (CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền) tăng 23,3% lên 9.370 đồng/cp. Mới đây, HAR công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017 với lợi nhuận sau thuế hơn 10,5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 8,2 tỷ đồng).
GIL (CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh) tăng 10,7% lên 42.050 đồng/cp. Giống HAR, quý IV/2017 lãi ròng tại GIL tăng đột biến lên 82,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 6,6 tỷ đồng.
FIT (CTCP Tập đoàn F.I.T) tăng 10,8% lên 7.600 đồng/cp. Khác với hai mã trên, lợi nhuận sau thuế quý IV/2017 tại FIT chỉ đạt hơn 154 triệu đồng, giảm đáng kể so với gần 22,7 tỷ đồng vào quý IV/2016. Chính vì vậy khiến cho cả năm lãi ròng giảm khoảng 22% ở mức 112,6 tỷ đồng.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 29/1-2/2
Nhiều mã lợi nhuận sụt giảm
Về phía những mã giảm mạnh nhất, VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) dẫn đầu với 21,5% xuống 1.020 đồng/cp. Tuần nay, VHG thông báo kết quả kinh doanh năm 2017 tệ hại với khoản lỗ gần 1.165 tỷ đồng.
Tương tự, NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay) giảm 19,3% và trong tuần báo lỗ gần 480 tỷ đồng trong năm 2017 do áp lực từ chi phí tài chính. HAI (CTCP Nông dược H.A.I) giảm 12,9% và có lãi ròng sụt giảm 26% so với năm trước.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 29/1-2/2
Trên HNX, LUT (CTCP Đầu tư Xây dựng Lương Tài) tăng mạnh nhất với 50% lên 3.000 đồng/cp. Đáng chú ý, LUT tăng trần liên tục từ ngày 22/1 đến nay.
Một số mã như KHL (CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dưng Hưng Long) hay LCS (CTCP Licogi 166) tăng trên 20%.
Về phía những mã giảm mạnh nhất, ARM (CTCP Xuất nhập khẩu Hàng Không) sau khi nằm trong top tăng tuần trước đã giảm mạnh nhất tuần này với 34,1% xuống 35.600 đồng/cp.
DST (CTCP Đầu tư Sao Thăng Long) tiếp tục nằm trong top này với 20,9% xuống 3.400 đồng/cp. Hai mã penny đáng chú ý là KLF (CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF) và SPI (CTCP SPI) giảm lần lượt 20% và 18,8%.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 29/1-2/2
Trên UPCoM, VCT (CTCP Tư vấn Xây dựng Vinaconex) tăng mạnh nhất với 110% lên mức giá 6.300 đồng/cp. Trong đó, phiên ngày 29/1 đánh dấu là phiên giao có thanh khoản trở lại của mã này kể từ ngày 5/12/2017.
NST (CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nộ) tăng 99,6% lên 44.700 đồng/cp với tất cả các phiên trong tuần đều có sắc tím. Riêng phiên 2/2 thanh khoản tăng đột biến lên gần 166.000 đơn vị.
Các mã như HFT (CTCP Chứng khoán HFT), BVN (CTCP Bông Việt Nam) tiếp tục nằm trong top tăng với 45,5% và 40,2%.
Về phía những mã giảm mạnh nhất, DPG (CTCP Đạt Phương) dẫn đầu với 56,9% xuống 42.600 đồng/cp.
VRG (CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam) sau khi nằm trong top tăng tuần trước thì đã quay đầu giảm khoảng 39% vào tuần này.
Minh Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz