Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Thúc đẩy phát triển Kinh tế - xã hội

Nhằm triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá nghề dệt lụa truyền thống, tăng cường các hoạt động du lịch, giới thiệu đến du khách các hoạt động ngành nghề đa dạng của địa phương, chiều ngày 22/11, Ủy ban Nhân dân phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) tổ chức Hội nghị thông tin về công tác tổ chức tuần văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024. Tuần Văn hoá năm nay có chủ đề “Quê lụa Hà Đông - Tinh hoa hội tụ” được diễn ra từ ngày 30/11 - 6/12/2024.

Ban tổ chức giới thiệu một số hoạt động trong tuần văn hóa

Sức lan toả của Tuần Văn hoá ngày càng mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách đến Vạn Phúc qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả cụ thể là giá trị thương mại du lịch của phường năm 2024 đã tăng 10-15% so với năm 2023. Sản phẩm làng nghề được quảng bá và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Dự - Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc - cho biết, Tuần Văn hóa là hoạt động nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024, đồng thời thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng 120 năm Ngày thành lập Hà Đông (6/12/1904-6/12/2024), 70 năm Ngày giải phóng Hà Đông (6/10/1954-6/10/2024) và các ngày kỷ niệm lớn trong năm.

Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vạn Phúc thông tin về Tuần văn hóa

"Ban tổ chức đã hoàn thành các công tác chuẩn bị theo kế hoạch về chỉnh trang đô thị, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tài chính hậu cần… đảm bảo Tuần Văn hóa diễn ra đúng kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thiết thực, an toàn và tiết kiệm", Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc nói.

Bà Vũ Thị Minh Thu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông cho biết, điểm mới của Tuần Văn hoá năm nay là các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ về du lịch làng nghề, thi hướng dẫn viên du lịch và thi sáng tác thiết kế hoa văn trên lụa. Đặc biệt, lần đầu tiên sẽ thí điểm mô hình xe điện miễn phí phục vụ du khách tham quan các điểm di tích như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Đình - Chùa - Miếu và đền thờ Tổ nghề.

Trong năm 2024, phường cũng mở rộng các tour du lịch kết nối Vạn Phúc với các địa phương lân cận như La Khê, Kiến Hưng, Đồng Mai và xa hơn đến Quảng Phú Cầu (Ứng Hoà), Mỹ Đức, Chương Mỹ.

Làng lụa Vạn Phúc

Một số hoạt động chính diễn ra trong Tuần văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Phần lễ có chủ đề “Vạn phúc kết nối Di sản - Di tích” với hoạt động lễ rước tổ nghề ghi ơn Đức Thành Hoàng- A Lã Đê Nương người có công gây dựng quê hương và truyền dạy nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa tơ tằm. Thời gian tổ chức lễ rước ra vào Chủ nhật ,14 giờ ngày 1/12/2024.

Phần hội với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn phường. Với các các hoạt động Văn hóa nghệ thuật - Trò chơi dân gian nhằm tôn vinh các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc tế và Quốc gia như: Múa rối nước, Ca trù, Hát văn,… hay tổ chức những trò chơi dân gian như bắt lợn, bắt trạch trong chum,..
 

Du khách sẽ có cơ hội khám phá nét đẹp của lụa Vạn Phúc – làng sản xuất lụa tơ tằm nổi tiếng của Việt Nam

Chương trình ca nhạc với các tiết mục do các ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn.

Điểm nhấn là chương trình Trình diễn áo dài lụa Hà Đông diễn ra vào sáng 3/12. Sự kiện sẽ giới thiệu cho người xem những công đoạn chủ yếu của nghề dệt lụa cổ truyền Vạn Phúc và những thiết kế mới nhất của làng nghề.

"Chương trình sẽ có sự tham dự gần 100 người mẫu chuyên nghiệp và nghiệp dư, có cả người mẫu nhí để giới thiệu các mẫu áo dài mới nhất, nhằm quảng bá cho du khách về nét đẹp văn hóa của người Việt Nam", đại diện Ban tổ chức Tuần Văn hóa chia sẻ.

Hoạt động xuyên suốt trong tuần là Vạn Phúc - Phố nghề nhằm quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng, phong phú đồng thời giới thiệu về du lịch Vạn Phúc với những loại hình kinh doanh mới, độc đáo, thu hút khách du lịch như chợ hoa sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa, ẩm thực…

Hoàng Nhung/KTDU

Từ khóa: