Bất chấp lệnh cấm, dịp giáp Tết này dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch tưng bừng khắp nơi. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng lệnh cấm đang là cơ hội để “cò” tiền lẻ hốt bạc.
Quầy đổi tiền lẻ trên đường vào Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: M.H
Cơ hội “chặt chém”
Đến các địa điểm chuyên đổi tiền lẻ trên địa bàn Hà Nội như phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm), Đặng Thai Mai – đoạn vào Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy), đường Thanh Niên - đoạn quanh chùa Trấn Quốc thuộc quận Ba Đình… những người buôn bán tiền lẻ vẫn hoạt động như thường dù không công khai như trước nữa.
Tại cổng Phủ Tây Hồ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra như không hề có lệnh cấm. Hầu hết các điểm đổi tiền lẻ đều là 10 ăn 6, tức là 100.000 đồng đổi được 60.000 đồng tiền lẻ. Thậm chí, có chỗ còn hét giá 10 ăn 5.
Tại các chùa như: Chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), chùa Hà (Cầu Giấy), chùa Linh Ứng (Từ Liêm)… dịch vụ này cũng hoạt động công khai. Chỉ cần có người dừng lại gần khu vực này lập tức sẽ có người gạ gẫm khách đổi tiền lẻ. Hoặc chỉ cần dừng xe gần các chùa này ai cũng dễ dàng nhìn thấy các dịch vụ đổi tiền lẻ tại các quầy đỗ lễ chạy cả một dãy dài, thậm chí chạy sâu vào tận các cổng đền, chùa. Hầu hết đều đặt biển công khai như “Dịch vụ đổi tiền lẻ”, “Đổi tiền mới, tiền lì xì”…
Xuất hiện dịch vụ đổi tiền lẻ online
Trên các trang mạng cũng xuất hiện nhan nhản dịch vụ đổi tiền lẻ với những lời mời chào hấp dẫn. PV Báo GĐ&XH liên hệ với một người có tên Trần Quang, chủ website tienlixi, được báo giá phí đổi tiền là mệnh giá càng cao thì phí đổi càng thấp. Cụ thể 110% đối với tiền 500 đồng;15% cho tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng; 10% cho tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng;5% cho tiền 50.000 đồng, 100.000 đồng. Ngoài ra trên các gian hàng online này còn phục vụ việc đổi các loại tiền “độc” như tờ 2 USD, tiền in hình ngựa…
|
Chúng tôi hỏi chuyện một chị bán đồ lễ phố Chùa Hà về việc nhà nước đã cấm đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, sao ở đây vẫn hoạt động như không? Chị chủ hàng thản nhiên: “Tiền vẫn là của nhà nước sản xuất ra đấy chứ chúng tôi phải đi đổi chỗ khác mới có mang ra đây. Không ăn chênh chẳng lẽ làm không công”(?!).
Không hoạt động công khai nhưng tại khu vực chùa Trấn Quốc, hầu hết các quầy hàng phục vụ đồ lễ đều thực hiện dịch vụ này. Các túi tiền lẻ được cất kín trong quầy hoặc gửi ở đâu đó, nó chỉ được rút ra khi hai bên đã ngã giá xong. Hầu hết khách hàng đến mua đồ lễ đều được chủ hàng chào mời đổi tiền lẻ.
Trên phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ… chỉ cần dừng xe lại là sẽ thấy mấy phụ nữ đeo túi trước bụng nhiệt tình chỉ chỗ để xe và đi theo hỏi chuyện. Thấy chúng tôi đáp lời vui vẻ, một chị bắt ngay vào việc chính: “Có tiền lẻ, tiền lì xì không em, chị đổi cho?”. “Tiền lẻ đi chùa chị đổi tỷ lệ bao nhiêu?”. “10 ăn 6, em đổi bao nhiêu?”. “Đắt quá em không muốn đổi. Nhà nước đang cấm, không đổi thì đi tiền chẵn, đổi có khi mang họa”. “Em yên tâm, bọn chị làm ăn có “dây”. Lo gì! Còn giá thế là rẻ hết tầm rồi, ở đâu cũng vậy”.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ những phụ nữ đeo túi trước bụng mới làm dịch vụ đổi tiền lẻ mà tại một số cửa hàng trên phố này vẫn tiến hành đổi tiền lẻ nhưng kín đáo hơn. Vào một quầy sách gần phố Nguyễn Xí, khi chúng tôi chọn một vài cuốn sách ra thanh toán và hỏi nhau về chuyện đổi tiền lẻ, chị chủ hàng nhanh nhảu: “Em muốn đổi tiền chị đổi cho. Tiền nào cũng sẵn, giá hợp lý, em đồng ý chị gọi người mang đến ngay sau 2 phút”. “Có những mệnh giá gì, có đủ cả cọc không chị?”. “Mệnh giá gì cũng có, mới cứng luôn”.
Cũng theo chị chủ quầy sách này thì việc đổi tiền đã có giá chung, chẳng hạn như: 600.000 đồng sẽ có một tệp 100 tờ mệnh giá 5.000 đồng. Nếu mua 100 tờ mệnh giá 10.000 đồng sẽ mất 1 triệu đồng và thêm 150.000 đồng phí. Với tiền 50.000 đồng và 100.000 đồng cũng có giá phí như vậy.
Càng cấm càng lãi
Theo một số chuyên gia, việc Nhà nước cấm đổi tiền lẻ ăn chênh khiến nhiều cò đổi tiền vin vào đó làm ăn tốt hơn. Họ thường lấy lý do khan hiếm để “chém” khách hàng đẹp hơn.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam, nhà nước ngừng in tiền mệnh giá nhỏ khiến nguồn tiền này khan hiếm góp phần làm tăng giá đổi tiền lẻ trên thị trường. Nhu cầu dùng tiền lẻ dịp Tết của người dân đi lễ chùa luôn cao, vô tình lệnh cấm này sinh lợi cho những kẻ thu gom tiền lẻ để đổi với giá cắt cổ.
Còn theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư Từ Liêm, đối với hành vi đổi tiền lẻ của những người hành nghề dịch vụ đổi tiền tại các đền chùa và người đi chùa hiện cũng chưa có chế tài xử lý. Bản chất của hành vi này là giao dịch dân sự, là sự thỏa thuận giữa đôi bên nên khó có chế tài nào để xử lý được.
Một số chuyên gia khuyên rằng, cần phải tuyên truyền tri thức văn hóa tín ngưỡng cho người dân. Người ta phải hiểu sâu xa vấn đề tiền giọt dầu, công đức là để tu bổ nơi thờ tự chứ không phải là “hối lộ” thần thánh. Cho dù mệnh giá tiền lớn hay nhỏ đều xuất phát từ tấm lòng của người đi lễ, không cần đặt tiền hay dắt tiền khắp chùa mà cầu gì được nấy. Chỉ cần 1 tờ tiền với mệnh giá tùy tâm đến các ban thờ với lòng thành kính đã được chứng dám lòng thành. Vì vậy, không nên lén lút đổi tiền lẻ để tiếp tay cho cò tiền “chém đẹp”.
Mai Hạnh
theo GĐ&XH