Sáng 12/10, lễ thỉnh rước kiệu trang phục Nữ thần Pô Sah Inư đã diễn ra tại Khu di tích tháp Pô Sah Inư (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận). Đây là nghi thức quan trọng nhất của Lễ hội Katê 2015.
Trang phục Nữ thần Pô Sah Inư được rước lên Tháp Pô Sah Inư. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Hòa trong tiếng trống Baranưng rộn ràng, tiếng kèn Saranai réo rắt, những chàng trai, cô gái Chăm uyển chuyển múa điệu Biyên, Marai truyền thống cung thỉnh y trang nữ thần từ sân lễ lên tháp chính.
Sau nghi thức rước y trang là những nghi thức truyền thống như: Mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga- Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Katê trước tháp chính...
Điểm nhấn của Lễ hội Katê năm 2015 của đồng bào Chăm ở Bình Thuận là những hoạt động trong phần hội với những gian hàng trình diễn dệt thổ cẩm, làm bánh gừng, trình diễn nhạc cụ Chăm, nặn gốm bằng phương pháp thủ công của các nghệ nhân người Chăm. Ngoài ra, các gian hàng trò chơi dân gian như: Thi đội nước, bịt mắt đập niêu... thu hút sự tham gia của đông đảo du khách và nhân dân địa phương.
Bà Iana Lukashevskaina (du khách Nga) cho biết, cứ mỗi dịp tết Katê bà lại đến Bình Thuận. Bà rất ấn tượng bởi sự độc đáo về trang phục truyền thống và âm nhạc của lễ hội. Đây là lần thứ 3 bà đến xem lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư và bà sẽ trở lại Bình Thuận để xem lễ hội Katê vào những năm sau.
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở tỉnh Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần như Ppo Klaung Girai, Ppo Rome và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Katê diễn ra trong một không gian lớn, bắt đầu từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.
Dịp này, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như triển lãm, trưng bày các hiện vật gốc có giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm; thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thi viết chữ Chăm truyền thống...
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết đồng bào Chăm; đồng thời động viên đồng bào tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bình Thuận hiện có hơn 41.000 người Chăm sinh sống, chiếm 3,2% dân số trong tỉnh (chiếm 44% đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh). Đồng bào Chăm ở Bình Thuận có rất nhiều lễ hội mang đậm sắc thái riêng như Lễ hội Ramưwan, lễ Rija Nưgar, lễ Chabun...
Nhờ sự quan tâm của địa phương, những năm qua vùng đồng bào Chăm tại Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,86% (năm 2004 là 25%); 93% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hệ thống cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, văn hóa... được đầu tư xây dựng.
Hồng Hiếu
theo Vietnam+