Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Từng bước xây dựng thương hiệu gạo xứ Thanh

Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có diện tích gieo trồng khoảng 230 nghìn ha lúa, với sản lượng luôn duy trì 1,5 triệu tấn/năm. Ngành nông nghiệp, các địa phương và chủ thể sản xuất đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo xứ Thanh và hướng tới đưa Thanh Hóa trở thành địa phương xuất khẩu gạo.

Những thương hiệu như: Tâm Phú Hưng, Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang Hà Long, nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh,... đã được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã có 19 sản phẩm gạo được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như gạo Ngọc Phố, gạo Tâm Bình, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, nếp hạt cau Tiên Sơn,... tập trung ở 10 địa phương: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nông Cống, Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Mường Lát, Quan Sơn và 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, Công ty CP Thương mại Sao Khuê và Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng.

Việc xây dựng thương hiệu "Hạt gạo xứ Thanh" không phải là bài toán đơn giản có thể giải quyết trong một sớm, một chiều, không chỉ cần các địa phương, đơn vị sản xuất chú trọng về chất lượng mà các doanh nghiệp chế biến gạo cũng cần vào cuộc. Đồng thời, đầu tư về kỹ thuật chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, cần xây dựng các cửa hàng, văn phòng giới thiệu sản phẩm gạo Thanh Hóa ở các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước. Từ đó tạo động lực thực hiện sứ mệnh của mình là sản xuất, chế biến các sản phẩm gạo an toàn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng là trung tâm cho mọi sự cố gắng, chất lượng sản phẩm làm nòng cốt.

Để đạt hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lúa gạo, hướng đến thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương và doanh nghiệp đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo, trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích, hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, được nhiều thị trường quốc tế lựa chọn nhập khẩu, như: ST 24, ST 25, J02 cho thị trường Nhật Bản; một số giống Q5, BC, TBR1 cho thị trường Trung Quốc... Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cho các vùng sản xuất lúa và xây dựng mã số vùng trồng quốc tế cho vùng sản xuất lúa để hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh có tờ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương bổ sung tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX vận dụng, lồng ghép các chương trình, dự án để có chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa gạo của Thanh Hóa trên website, phương tiện truyền thông và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

Hoài Thanh

Theo  KT&ĐU

Từ khóa: