Nhiều đợt tuyển dụng trong năm với số lượng nhân viên không ít, các ngân hàng có thực sự gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài?
Tuyển dụng ngành ngân hàng: Khó hay dễ?
Nhân sự được xem là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp, tổ chức. Họ không những là người mang lại doanh thu mà còn được ví như linh hồn của tổ chức. Đối với ngành ngân hàng vấn đề "con người" lại càng quan trọng hơn khi hoạt động liên quan đến tiền, tài sản của khách hàng. Việc tạo dựng được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp sẽ tạo lòng tin và trung thành của khách hàng đối với ngân hàng.
Mỗi năm hai mùa tuyển dụng
Trong một năm tài chính, ngân hàng thường tổ chức nhiều đợt tuyển dụng khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào giữa quý I và đầu quý III. Đây được xem là hai mùa tuyển dụng lớn nhất trong năm của hệ thống ngân hàng. Quy mô tuyển dụng lớn về số lượng, vị trí và phân bố khắp hệ thống từ hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch.
Thời điểm hiện tại được xem là mùa tuyển dụng thứ hai trong năm của ngành ngân hàng. Nhiều ông lớn như Vietcombank, Vietinbank và Agribank cũng lên kế hoạch tuyển dụng lượng lớn nhân viên khắp hệ thống. Đơn cử như Vietinbank tuyển dụng thêm 391 vị trí, Vietcombank tuyển dụng thêm 400 vị trí...
Những ngân hàng thương mại ngoài quốc dân cũng ồ ạt không kém. Sacombank tuyển thêm 1.000 nhân viên từ quan hệ khách hàng đến giám đốc phòng giao dịch,...đánh dấu một bước chuyển mình mới sau khi ông Dương Công Minh lên làm Chủ tịchBộ máy lãnh đạo cấp cao của Sacombank cũng vừa có loạt thay đổi với nhiều gương mặt mới.
Nhiều ngân hàng khác như NamABank, OCB, MBBank, TPBank,... cũng đăng tin tuyển dụng nhiều vị trí khác nhau. Các ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc tuyển nhân viên có kinh nghiệm hay đã tốt nghiệp mà còn mở rộng đối tượng ra những sinh viên chưa ra trường. Điều này tạo cơ hội cho nhiều đối tượng khác nhau có thể thử sức mình trong môi trường làm việc tại ngân hàng.
Thống kê thông tin tuyển dung các ngân hàng đang diễn ra (Ảnh: Diệp Bình)
Quy mô các ngân hàng có tăng hàng nghìn người hàng năm qua các đợt tuyển dụng?
Có thể nhận thấy, đợt tuyển dụng nào ngân hàng cũng ra chỉ tiêu hàng nghìn người. Với hai đợt chính và nhiều đợt nhỏ dự kiến nguồn nhân lực được "thay máu" của mỗi ngân hàng là khá lớn. Tuy nhiên, lượng nhân viên bình quân tăng hàng năm lại không tương xứng.
Tổng hợp từ báo cáo tài chính của các ngân hàng (Ảnh: Diệp Bình)
Nguyên do là tuyển nhiều nhưng cũng không ít người "ra đi", các ngân hàng phải liên tục bù đắp nguồn thiếu hụt trên bằng cách liên tục tuyển dụng.
Hiện nay, việc nhân viên ngân hàng nhảy việc không còn là xu hướng quá mới mẻ, nhất là những vị trí như nhân viên kinh doanh. Như đã từng đề cập trong bài trước đó, trước sức ép từ nhiều phía, nhu cầu nhân viên tín dụng nhảy việc là không tránh khỏi. Họ muốn thay đổi môi trường, tìm kiếm cơ hội thăng tiến, tăng thu nhập cho bản thân. Không ít nhân viên sau khi đã làm việc ổn định 2-3 năm cảm thấy việc thăng tiến không có triển vọng đều tự đi tìm cơ hội mới.
Mặt khác, nhiều nhân viên mới không thể theo được với công việc và phải rời bỏ sau một thời gian thử sức. Công việc ngân hàng không chỉ đơn giản và "hào nhoáng" như bề ngoài. Từ vị trí giao dịch viên đến nhân viên kinh doanh hay vị trí nhân sự quản lý, cấp cao đều có một áp lực nhất định.
Nhiều giao dịch viên ở ngân hàng phải kết thúc công việc lúc 7 - 8 giờ tối, đôi khi chỉ cần một lỗi nhỏ về các con số sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống và khi đó nhân viên phải chịu trách nhiệm về lỗi của mình. Nhân viên tín dụng bị cuốn vào vòng xoáy chỉ tiêu tín dụng, huy động và quản lý khách hàng. Cán bộ quản lý áp lực bởi kết quả kinh doanh của đơn vị, quản lý nhân viên,…
Những cá nhân không đủ khả năng chịu được áp lực của công việc sẽ tự động rời bỏ hoặc kết thúc hợp đồng lao động nhanh chóng.
Nhiều áp lực nhưng một số ngân hàng cũng đang tìm mọi cách để giữ chân nhân tài, tránh tình trạng "chảy máu chất xám". Cùng với việc báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng đã tăng lương cho nhân viên như Vietcombank, LienVietPostBank, KienLongBank, BacABank...
Bên cạnh đó, các đợt tuyển dụng của ngân hàng cũng cho thấy họ đang chấp nhận một tỷ lệ nhân viên thời vụ nhất định. Đây là phương án giải đáp cho bài toán chi phí nhân lực. Bằng cách này, ngân hàng vừa có được thêm nguồn nhân sự, có cơ hội chọn người tài, lại vừa giảm bớt chi phí.`
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz