Lâm Bình là huyện có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng đó chưa được “đánh thức” và khai thác một cách hiệu quả. Việc “đánh thức” tiềm năng du lịch nơi đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của chính quyền và nhân dân huyện Lâm Bình.
Video Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình 2019. Nguồn: Minh Phụng.
Lâm Bình (Tuyên Quang) là huyện có tiềm năng phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Nhằm phát huy những giá trị vốn có và thu hút đầu tư phát triển du lịch, những năm gần đây cứ mỗi độ xuân về, nhân dân huyện Lâm Bình lại nô nức, phấn khởi chuẩn bị cho Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc trong Huyện.
Mùa xuân Lâm Bình!
Lễ hội Lồng Tông là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức hằng năm cùng với Ngày hội văn hóa các dân tộc trong Huyện thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham dự.
Các hoạt động diễn ra trong ngày hội thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Đây là năm thứ 3 UBND huyện tổ chức Lễ hội Lồng tông gắn với Ngày hội văn hoá các dân tộc. Qua lễ hội, huyện mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nhân dân và du khách trong những ngày đầu năm mới, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy lễ hội đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết: “Đây là hoạt động đã có từ xưa, Lễ hội được tổ chức đặc sắc trên cơ sở truyền thống cốt lõi của nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình. Việc tổ chức Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc trong huyện nhằm phục dựng và phát huy các giá trị truyền thống của 12 dân tộc trên địa bàn huyện.
Cùng với Lễ hội Lồng tông, huyện có tổ chức Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, đây là Lễ hội hết sức huyền bí, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện ước nguyện của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, cầu cho năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người người, nhà nhà yên ấm, yên vui, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn”.
Được biết, cùng với Lễ hội Lồng tông theo đúng nghi lễ truyền thống, huyện Lâm Bình còn tổ chức nhiều các hoạt động liên quan đến văn hóa tri thức, tín ngưỡng, cũng như các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện.
“Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng hết sức độc đáo, chúng tôi chắt lọc ra những nét độc đáo, tinh túy nhất của từng dân tộc để thể hiện trong Ngày hội văn hóa các dân tộc trong Huyện Lâm Bình.
Chúng tôi đã huy động sự tham gia vào cuộc của người dân và đặc biệt là người dân mặc trang phục dân tộc khi đến dự lễ hội cũng như tham gia các trò chơi dân gian, du khách và người dân được tham gia trải nghiệm những trò chơi dân gian và các nghi lễ truyền thống, khi người dân và du khách hòa đồng được nét văn hóa của người bản địa tạo ra sự kết nối, sự giao thoa và sự cộng hưởng tốt, những điều trên tạo nên điểm nhấn đặc sắc tại Lễ hội năm nay” - Ông Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.
Tiềm năng du lịch Lâm Bình!
Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”, với những dãy núi trùng điệp gắn với truyền thuyết về Phượng hoàng bay về và là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hay những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm…
Ngoài ra, những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can; Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của huyện Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân.
Ngày 16/2 (tức ngày 12/1 âm lịch) tại sân vận động Bản Kè B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình diễn ra Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hoá các dân tộc 2019, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Ngày 16/2 (tức ngày 12/1 âm lịch) tại sân vận động Bản Kè B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình diễn ra Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hoá các dân tộc 2019, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Đến với Lâm Bình du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…
Nói về tiềm năng và những dự định phát triển du lịch Lâm Bình, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ: “Lâm Bình là huyện tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng đó chưa được đánh thức nhiều, năm 2019, chúng tôi xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng. Để phát triển du lịch bền vững chúng tôi tập trung giữ gìn cảnh quan thiên nhiên môi trường, tập trung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; Thu hút kêu gọi các nhà đầu tư với các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư về hạ tầng các điểm du lịch; Đặc biệt tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch đến đông đảo du khách; Tập trung nâng cao kỹ năng làm du lịch của cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã cũng như người dân tham gia làm du lịch”.
Hy vọng với sự chung tay góp sức của của cộng đồng doanh nghiệp, các công ty lữ hành, các cấp các ngành trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch, hy vọng du lịch Lâm Bình sẽ có bước phát triển trong thời gian tới.
Tạ Thành - Hà Đương
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng