Theo phản ánh của người dân, tuyến sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tại khu vực giáp ranh giữa hai xã An Khang thuộc TP. Tuyên Quang và xã Thái Bình thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang - nơi Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang được cấp phép điểm mỏ khai thác cát, sỏi… bị sạt lở nghiêm trọng. Ruộng vườn, hoa màu của người dân cũng từ đó trôi theo dòng sông khiến cuộc sống nơi đây bị ảnh hưởng.
Khai thác khoáng sản, dân mất đất canh tác
Có mặt tại cầu Bình Ca những ngày đầu tháng Tư, phóng viên không khó để chứng và ghi lại cảnh “đại công trường” khai thác cát dọc hai bên sông với rất nhiều tàu hút. Dưới sông, máy hút cát, tàu cuốc đang hoạt động nổ máy rầm rầm suốt đêm ngày làm vang động cả một vùng nước. Trên bờ, hàng loạt những “binh đoàn xe tải” đua nhau lấy cát từ điểm tập kết, phân phối khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều tàu hút cát cỡ nhỏ xen kẽ với sà lan vận chuyển đều hết sức bình thường, thế nhưng khi để ý kĩ, tất cả chỉ là những chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng, đằng sau những sà lan cát khổng lồ này lại là những tàu cuốc đang thi nhau gầm rú hoạt động hết công suất rút ruột lòng sông Lô.
Điều đặc biệt, những chiếc tàu cát đang hoạt động trên tuyến sông này lại không hề có biển báo hay số hiệu của Công ty Cổ phần Lầm sản và Khoáng sản Tuyên Quang. Đáng nói, chạy dọc theo bờ sông thuộc địa phận xã An Khang, hàng chục tàu cuốc đang bủa vây thi nhau khai thác nạo vẹt lòng sông chỉ cách bờ chưa đến 5m. Hàng trăm m2 đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành bờ vách dựng đứng.
“Đại công trường” ngày đêm khai thác cát trên sông Lô
Người dân sống trên địa bàn cho biết, do đoạn sông Lô nằm giáp ranh giữa chỉ giới các xã nên nhiều đối tượng thường xuyên tận dụng để khai thác cát sỏi trái phép.
“Doanh nghiệp Thập Đáng (nay là Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang) thì khai thác bừa bãi, nay chỗ này, mai chỗ kia không hề có một phạm vi nhất định. Nhiều lần người dân đã phản ánh tới các cấp chính quyền nhưng đến thời điểm hiện tại sự việc vẫn diễn ra công khai. Đất cát của người dân chúng tôi cứ thế dần dần trôi theo dòng sông, nhiều hôm còn canh những tàu này hoạt động để người dân ra xua đuổi nhưng rồi đâu lại vào đó, không hiểu họ là ông trời hay không mà chính quyền không hề có động thái ngăn cấm hay dừng hoạt động của họ”, một người dân xã Thái Bình cho biết.
Cùng chung nỗi bức xúc, bà N.V.T cho biết: “Đi dọc con sông này, chỗ nào cũng vài ba cái tàu cuốc, tàu hút, ngày cũng như đêm liên tục khai thác không ngừng nghỉ, ở dọc tuyến sông này hỏi thì cứ bảo là cấp phép cho doanh nghiệp, nhưng làm gì có chuyện được khai thác vào sát bờ sông như thế. Người dân đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền, nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa được giải quyết”.
“Đại công trường” ngày đêm khai thác cát trên sông Lô
Chính quyền buông lỏng, đá bóng trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có ba đơn vị được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác là Công ty Tam Sơn, Công ty Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, Công ty Thanh Giang và hiện nay chỉ còn doanh nghiệp Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang đang còn hoạt động”.
Trong khi đó, địa bàn xã Thái Bình chỉ còn doanh nghiệp Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang hoạt động khai thác. Về sản lượng mà doanh nghiệp này khai thác thì xã không nắm được do doanh nghiệp báo cáo lên UBND tỉnh Tuyên Quang nơi được cấp phép. Còn về tàu cuốc hoạt động khai thác mà phóng viên đề cập tới thì khu vực đó nằm trên địa bàn xã An Khang”.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết: “ Hiện nay trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp được phép khai thác, những doanh nghiệp nào đang hoạt động hay dừng hoạt động thì xã không nắm được do giấy phép họ kí với tỉnh Tuyên Quang. Khu vực sạt lở là thuộc thôn Trường Thi B thuộc khu vực Doanh nghiệp Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang khai thác xã đã kiểm tra và báo lên thành phố nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết”.
“Đại công trường” ngày đêm khai thác cát trên sông Lô
Theo ông Minh, “việc sử dụng tàu cuốc xã cũng kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp này sử dụng, thế nhưng vấn đề này rất khó quản lý. Khi phát hiện là lúc các tàu này đang hoạt động giữa sông nên chính quyền xã đành “lực bất tòng tâm”. Xã không có đủ chuyên môn hay phương tiện để tiếp cận những tàu này nên việc xử lý là không thể”!
Được biết, ngày 17/4/2015 UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp giấy phép số 17/GP-UBND khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang (địa chỉ tại tổ 35, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang) được khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên bãi cát, sỏi lòng sông Lô, thuộc địa bàn xã: An Khang thành phố Tuyên quang, và xã Thái Bình huyện Yên Sơn.
Diện tích khu vực khai thác 69ha và được chia làm 4 khu, trữ lượng địa chất cấp 122 được phê duyệt 544.631m3, trữ lượng khai thác cấp 122 phê duyệt 490.168m3, công suất khai thác 40.000m3/năm thời hạn 13 năm kể từ ngày cấp giấy phép.
Dựa vào giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Công ty Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, với công suất khai thác 40.000m3/năm; khai thác trong 13 năm, dư luận đặt ra câu hỏi: Với số lượng tàu cùng với công suất lớn như vậy, trữ lượng khai thác và số tiền mà doanh nghiệp này thu được là bao nhiêu? Trong khi đó, điều đáng quan ngại hơn cả là việc khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn thì ai là người chịu trách nhiệm hay để người dân “sống chết mặc bay”?
Ngày 14/10/2016, qua phản ánh của nhân dân và thực trạng khai thác cát sỏi trên sông Lô, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Thông báo số 88/TB-UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Tuyên Quang dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Lô bằng tàu cuốc từ ngày 17/10/2016 để xem xét, đánh giá lại ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi dẫn tới sạt lở bờ sông trên địa bàn. Thông báo này đến nay vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đến mùa mưa lũ này đê sông Lô vẫn đang bị đe dọa, tình trạng sạt lở bãi sông uy hiếp thân đê vẫn đang xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần có những biện pháp kịp thời giữ an toàn tuyến đê sông Lô để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.
Huy Đức – Thành Tú
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng