Tỷ giá USD hôm nay (2/10) tăng nhẹ so với yen Nhất trong phiên giao dịch sớm ở châu Á, với thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Quốc Khánh.
Ảnh: Reuters.
Cụ thể, tỷ giá USD hôm nay tăng 0,13% so với yen Nhật lên 112,65 yen
Chỉ số USD, cho biết độ mạnh yếu của USD thông qua diễn biến tỷ giá đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,12% lên 93,02 điểm.
Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ công bố khảo sát Tankan cho quý III với giới đầu tư tập trung vào chỉ số sản xuất được dự báo đạt 18 điểm.
Trong tuần này, thị trường cũng sẽ theo dõi sát sao phát biểu từ Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Jellen để có thêm thông tin về thời gian cho đợt tăng lãi suất lần tiếp theo, và báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Sáu.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ đợi phát biểu từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi vào ngày thứ Tư.
Ngày 30/9, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ giảm lượng tiền mặt phải nắm giữ của các ngân hàng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2016, nhằm khuyến khích cho vay nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khắn và thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đăng tải thông báo trên trang web của mình rằng sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với một số ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu nhất định, thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, PBOC cũng cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ trung lập và sử dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ khác nhau để duy trì thanh khoản ở mức ổn định. Ngân hàng sẽ tiếp tục với cải cách lãi suất và tỷ giá, trong khi giữ đồng nhân dân tệ ổn định.
Một báo cáo kinh tế khác chỉ ra hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2012 trong tháng 9, vì các nhà máy tận dụng lợi thế về nhu cầu mạnh và giá cả gia tăng, làm giảm lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế trước khi diễn ra cuộc họp chính trị quan trọng.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức, được công bố hôm 30/9, tăng từ 51,7 điểm trong tháng 8 lên 52,4 điểm vào tháng 9. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng từ Caixin giảm còn 51 điểm trong tháng 9, so với 51,6 điểm hồi tháng 8 vì tăng trưởng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm.
Trong tuần trước, tỷ giá USD thay đổi nhỏ so với các đồng tiền chủ chốt khác vào ngày thứ Sáu (29/9) sau khi các báo cáo kinh tế Mỹ cho kết quả trái chiều. Mặc dù vậy, đồng bạc xanh kết thúc tháng 9 ghi nhận lần tăng đầu tiên trong 7 tháng.
Tỷ giá USD giảm hôm thứ Sáu sau khi số liệu chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ trong tháng 8. Tuy nhiên, số liệu này đã bị bỏ qua khi một báo cáo kinh tế khác cho thấy chỉ số PMI Chicago của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ bất ngờ tăng mạnh.
Đồng USD đã nhận được sự ủng hộ hồi đầu tuần trước, sau khi bà Yellen gợi ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên bám theo kế hoạch đã đề ra về việc tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay và 3 lần cho năm 2018.
Kỳ vọng vào tỷ lệ lãi suất tăng đã giúp củng cố USD thông qua việc khiến các trái phiếu Mỹ trở nên thu hút hơn đối với giới đầu tư.
Ngoài ra, một nhân tố nữa góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD trong tuần trước phải kể đến niềm hy vọng mới vào việc cải cách thuế của Mỹ, sau khi chính quyền ông Trump đưa ra bản kế hoạch điều chỉnh lại chính sách thuế hôm thứ Tư.
Trong khi đó, đồng euro giảm vì áp lực hồi đầu tuần trước trong bối cảnh lo ngại về bất ổn chính trị Đức có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu, và khiến việc đoàn kết của khối liên minh trở nên khó khăn hơn.
Tố Tố
Theo Investing