Điều hành của NHNN khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) là kịp thời và linh hoạt. Tuy nhiên, qua sự việc này chúng ta cần có những biện pháp tận dụng cơ hội biến động tỉ giá, cũng như khẩn trương có những điều chỉnh về lâu dài.
Việt Nam cũng nên khai thác những tác động có lợi khi Trung Quốc phá giá CNY. Ảnh minh họa
Ưu đãi TPP phần nào bị ảnh hưởng
Trong các ngày từ 11-13/8, Trung Quốc liên tiếp giảm giá CNY là 1,9%, 1,6% và 1,1%. Điều này làm cho hàng xuất khẩu (XK) của Trung Quốc trở nên có tính cạnh tranh cao hơn do giảm giá hàng XK tính bằng đô la Mỹ (USD).
Đến ngày 14/8, Trung Quốc nâng giá 0,05% CNY so với USD. Nếu tính gộp cả 3 lần phá giá và một lần nâng giá trong 4 ngày, CNY giảm giá khoảng 4,5% so với USD.
Đây có thể xem là một đợt phá giá đáng quan tâm của Trung Quốc sau hơn 20 năm, kể từ lần phá giá năm 1994.
Nền kinh tế Trung Quốc với GDP đạt trên 10.000 tỉ USD và có nhiều mối quan hệ sâu rộng với phần còn lại của thế giới, nên động thái này có tác động nhất định.
Việc phá giá khiến giá hàng XK của Trung Quốc giảm tương đối trên thị trường nước ngoài, do đó cải thiện tính cạnh tranh. Nếu quy đổi trực tiếp thông qua tỉ giá, một mặt hàng XK của Trung Quốc trước khi phá giá CNY có giá bán trên thị trường Hoa Kỳ là 1 USD, thì nay giá bán chỉ còn 94,76 cent, nghĩa là giảm khoảng 5,24%. Điều này góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh về giá, thúc đẩy tiêu thụ lượng hàng hóa Trung Quốc trên các thị trường với nhiều ưu đãi chỉ dành cho các quốc gia đối tác, ngoại trừ Trung Quốc.
Cho dù không được hưởng ưu đãi từ quy định xuất xứ và hàm lượng nội bộ, song hàng Trung Quốc vẫn có tính cạnh tranh cao. Điều này có thể làm vô hiệu hóa phần nào các ưu đãi thương mại được các thành viên của các hiệp định thương mại tự do dành cho nhau, trong đó có Hiệp định TPP dự kiến ký kết vào cuối tháng 8/2015.
CNY có thể gia tăng ảnh hưởng trong hệ thống tiền tệ quốc tế, tạo phản ứng ngược chiều so với xu hướng lên giá của USD khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuẩn bị nâng lãi suất vào tháng 9/2015, XK của Trung Quốc sang Mỹ thuận lợi hơn trước. Nó góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt thất nghiệp và cải thiện phúc lợi, tuy nhiên, có thể xảy ra tăng lạm phát nhập khẩu.
Hành vi của Trung Quốc làm thuyên giảm vai trò điều tiết tiền tệ toàn cầu và tỉ giá hối đoái là một chức năng cơ bản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu chưa nói là định chế bộc lộ sự bất lực trong cảnh báo phá giá hối đoái.
Việt Nam có quan hệ toàn diện với Trung Quốc. Nếu xét riêng quan hệ xuất-nhập khẩu, Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc. Đặc biệt là nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch NK của Việt Nam, còn XK chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch XK.
Việc phá giá đồng CNY làm cho hàng Trung Quốc rẻ đi tương đối so với hàng hóa của các quốc gia khác. Nếu tỉ giá giữa đồng Việt Nam và CNY có sự điều chỉnh tương ứng, thì về xu hướng, XK hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam tăng lên, trong khi XK hàng Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm.
Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc có thể gia tăng, mặc dù không phải ngắn hạn do các hợp đồng được ký kết có hiệu lực trong vòng 6 tháng đến một năm. Tuy nhiên, cần cẩn trọng đối với các hợp đồng ký kết bằng USD, nhưng thanh toán bằng đồng CNY đòi hỏi thanh toán nhiều CNY hơn, gặp tình trạng rủi ro hối đoái. Ngược lại, các hợp đồng ký kết bằng CNY, nhưng thanh toán bằng USD sẽ có lợi hơn do tỉ giá.
Phản ứng đủ liều lượng, tận dụng cơ hội
Việc nới lỏng biên độ tỉ giá từ +-1% lên +-2%, sau đó lên +-3% và tăng tỉ giá lên 1%, trong khi các quốc gia trong khu vực điều chỉnh tỉ giá chưa đến 1%, cho thấy Việt Nam phản ứng khá mạnh.
Nếu việc phá giá đồng CNY của Trung Quốc tiếp tục diễn ra khi những biện pháp kích thích kinh tế nội địa không đạt được mục tiêu mong đợi, Trung Quốc lại phá giá, thì việc điều chỉnh biên độ dao động tỉ giá chỉ nên khoảng 0,1-0,2% so với USD, hoặc điều chỉnh trực tiếp tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD với mức 0,01-0,02% khi USD chưa tăng giá.
Khi các đồng tiền chủ chốt của các nước châu Á nâng giá trở lại trạng thái ban đầu, NHNN nên kịp thời bỏ quy định nới lỏng biên độ dao động tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD (+-3%), trở lại trạng thái ban đầu là +-1%, hoặc chỉ còn +-1,5%.
Điều này có tác động ổn định tỉ giá giữa đồng Việt Nam so với các đồng tiền chủ chốt khác và không gây ảnh hưởng quá lớn đến cam kết của NHNN về tỉ giá năm 2015.
Tuy nhiên, do phá giá, Việt Nam cũng nên khai thác những tác động có lợi, nhất là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; hàng giá rẻ và có lợi cho sản xuất trong nước như nguyên liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ, dụng cụ chưa sản xuất được, hoặc sản xuất với chi phí cao.
Đây là cách thức sử dụng tiết kiệm ngoại tệ NK. Có thể tranh thủ đặt hàng linh kiện, phụ tùng, hoặc hàng hóa trong nước chưa sản xuất, hoặc sản xuất với giá quá cao.
Tuy nhiên, cần coi trọng phát triển các ngành thay thế NK để cạnh tranh lâu dài với hàng Trung Quốc, cũng như có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng giả từ Trung Quốc để tránh tình trạng Trung Quốc ồ ạt XK hàng sang Việt Nam, tăng sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc.
Đây cũng là thời điểm mà các khoản nợ vay bằng USD, thanh toán bằng đồng CNY của các tổ chức, cá nhân nên tiến hành thanh toán; nhanh chóng giảm dự trữ CNY trong cơ cấu dự trữ quốc gia và doanh nghiệp.
Cải thiện năng lực cạnh tranh hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc đặc biệt cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong tạo thuận lợi thương mại, tiết kiệm chí phí kinh doanh, chi phí hành chính nhằm thích ứng với tình trạng giá hàng XK Việt Nam tăng lên khoảng 3,5% so với trước khi phá giá. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư sang Trung Quốc cũng có thêm lợi thế khi đồng Việt Nam lên giá tương đối so với CNY.
Sự việc vừa qua có thể thấy, cần theo sát các hành động đơn phương của Trung Quốc, vì luôn có sự khác biệt với các quốc gia khác (như trong 4 ngày có 3 lần điều chỉnh giảm và một lần điều chỉnh tăng với mức tăng tỉ giá không đáng kể so với giảm).
Đồng thời, cần theo dõi phản ứng chính sách tỉ giá của các quốc gia khác để tham chiếu phương thức phản ứng và điều chỉnh.
Thực tế, đồng Việt Nam neo buộc khá chặt với USD, cho nên cần quan sát nhiều hơn chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hay trạng thái mạnh-yếu của đồng USD.
Mặt khác, vẫn cần kiên định trong chính sách tỉ giá được xác định trong một năm khi lượng dự trữ ngoại tệ Việt Nam tăng lên, số doanh nghiệp thành lập và hoạt động có hiệu quả tăng, nền kinh tế có khả năng tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 (dự báo 6,5%).
Việc điều chỉnh tỉ giá đồng Việt Nam có thể tạo ra lợi thế mới do điều chỉnh tỉ giá mang lại ngắn hạn, song lại có thể làm suy giảm nỗ lực đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và thay đổi mô hình tăng trưởng dài hạn.
Về lâu dài, nên có giải pháp giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào NK từ Trung Quốc bằng phát triển mạnh sản xuất trong nước, tăng khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam, phát triển công nghiệp thay thế NK, kiên quyết đa dạng hóa thị trường xuất-nhập khẩu ra ngoài Trung Quốc, khai thác tác động đầu tư nước ngoài để cải thiện thâm hụt cán cân thương mại Việt-Trung.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng
theo Xây dựng