Huế là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, là nơi có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nên những gì ở Huế đều mang một giá trị và bản sắc độc đáo riêng. Trà cung đình Huế mang một nét đặc biệt hơn cả, mà thưởng thức trà cung đình còn là một nghệ thuật – một nét đẹp của mảnh đất Di sản.
Tại sao lại có cái tên trà cung đình? Trở về ngày xưa, khi mà thú thưởng trà xuất phát từ trong cung đình Huế. Trước đây, văn hóa này chỉ dành cho vua quan do sự cầu kỳ trong việc chuẩn bị để nấu 1 ấm trà cho đến các nghi thức cầu kỳ của việc thưởng trà, người dân thường sẽ không có đủ điều kiện để tiếp xúc với thú vui này.
Trà cung đình Huế không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là liều thuốc bổ cho sức khỏe. Khác với trà thông thường, trà cung đình Huế được làm từ nhiều loại thảo mộc khác nhau, có đặc tính riêng như là: Atisô giúp hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, chữa các chứng bệnh về gan, thận; Cúc hoa làm giảm chóng mặt, đầu đau, mắt đỏ, nặng một bên đầu; Hoa hồi có vị cay, ngọt, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng trừ đàm, khai vị, kích thích bộ máy tiêu hoá, tiêu thực, giảm co bóp trong dạ dày và ruột, lợi sữa, trừ phong, giảm đau, sát trùng; Hoa lài có vị ngọt giúp giảm cân, có tính an thần, giúp điều chỉnh lưu thông máu và giảm căng thẳng động mạch; hạt muồng có vị mặn, có tác dụng thanh can, ích thận, khử phong, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện; Mầm hạt sen có tác dụng làm dịu cơn đau đầu, choáng, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim đập nhanh, chữa mất ngủ kéo dài, hại huyết áp,... Tất cả được kết hợp hài hòa với nhau theo bí quyết đặc biệt để tạo nên loại trà cung đình Huế có hương vị thơm ngon.
Trước kia, trà chỉ dành cho vua thưởng thức, các nguyên liệu sau khi đã được cắt tỉa và chế biến, sẽ được ướp với sen ở hồ Tĩnh Tâm trong Hoàng Thành. Trà ướp với hương sen tự nhiên cho người thưởng thức cảm giác thư thái, tĩnh lòng. Nghệ nhân Thu Trà chia sẻ : “ Tất các loại thảo mộc dùng để nguyên liệu cho trà cung đình đều có công dụng giúp bồi bổ sinh lực, trẻ lâu đã được các danh y, thầy thuốc trong cung cầu kỳ nghiên cứu, tạo thành thức trà bổ dưỡng”.
Trà cung đình dành cho vua không sử dụng 1 bộ ấm chén cho cả 4 mùa mà phải có bốn loại chén khác nhau để phù hợp với thời khắc Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tiếp theo đó sẽ là bộ dụng cụ pha trà, ấm uống trà làm bằng đất nung màu nâu đỏ hình chum và kích cỡ nhỏ gọn trong lòng bàn tay gọi là ấm Mạnh Thần, đi kèm là bốn chiếc chén nhỏ đựng trên khay gỗ được chạm trổ tinh xảo. Hũ đựng trà làm bằng gỗ, thường có thêm lư trầm đốt hương thơm thoang thoảng, bếp giữ nhiệt nước sôi và chậu rửa tay trước khi pha trà.
Giờ đây trà cung đình đã được hầu hết mọi tầng lớp sử dụng. Cách thức pha và thưởng trà cung đình cũng không còn quá cầu kỳ như trước, song với người Huế uống trà vẫn là một hình thức nghi lễ, một nét đẹp văn hóa cần giữ gìn.
Hải Long
Theo Kinh tế và Đồ uống