Diễn biến trên thị trường ngoại hối cho thấy một bức tranh: năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như thị trường tiêu dùng đều suy yếu.
Diễn biến trên thị trường ngoại hối cho thấy một bức tranh: năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như thị trường tiêu dùng đều suy yếu.
Hôm qua (19.6), tỷ giá niêm yết của các ngân hàng phổ biến ở mức 20.920 đồng/USD giá mua vào; 20.970 đồng/USD giá bán ra, giảm 10 đồng/USD giá mua vào, giảm 20 đồng/USD giá bán ra so với ngày 18.6 và giảm 50 – 60 đồng/USD so với thời điểm đầu tháng 6. Như vậy, sau bốn ngày tăng nóng, tỷ giá USD đã liên tục hạ nhiệt từ 6.6 đến nay.
Phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ cho rằng, hồi đầu tháng 6, tỷ giá bất ngờ tăng tới 170 đồng/USD (0,8%) chỉ trong bốn ngày là do một số khoản vay ngoại tệ (trong nước và nước ngoài) chuẩn bị đến hạn thanh toán. “Còn xét về cung – cầu ngoại tệ trong dài hạn của chúng ta vẫn tốt nên việc tỷ giá điều chỉnh cũng là diễn biến bình thường”, ông Thọ nói. Cũng theo ông Thọ, mức lãi suất huy động USD tối đa hiện nay là 2%/năm, nếu cộng thêm cả mức trượt giá được dự báo 2 – 3% cả năm, so với mức lãi suất huy động VND (tối đa 9%/năm với kỳ hạn ngắn), thì gửi VND vẫn có lợi. Trong trường hợp mặt bằng lãi suất VND tiếp tục hạ thấp hơn nữa, lãi suất USD cũng sẽ được điều chỉnh để người nắm giữ VND luôn có lợi thế.
Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước lý giải thêm, thời gian vừa qua, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, song vẫn ở mức cao khiến cho khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng không nằm ngoài diễn biến của tăng trưởng tín dụng nói chung. Cầu ngoại hối giảm, tỷ giá sẽ giảm.
Tỷ giá liên tục giảm trong bối cảnh lãi suất VND hạ nhiệt có là điều bất thường? Lật lại diễn biến đầu tháng 5 có thể thấy, tỷ giá tăng mạnh trong bốn ngày đầu tháng có phần do lãi suất huy động VND giảm mạnh. Theo quy luật thị trường, lãi suất VND càng thấp, thì người đầu cơ chuyển sang mua ngoại tệ và tỷ giá tăng. Trả lời câu hỏi này, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa lý giải, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là vấn đề thị trường đầu ra, do vậy hoạt động nhập khẩu giảm mạnh và yếu tố này tác động mạnh hơn so với yếu tố đầu cơ tài chính. Thêm một giả thiết khác được ông Nghĩa đặt ra: có thể ngân hàng Trung ương đã dừng hoặc giảm việc mua vào USD.
Nhìn một cách khái quát, ông Nghĩa cho rằng diễn biến trên thị trường ngoại hối cho thấy một bức tranh: năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như thị trường tiêu dùng đều suy yếu. Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng tiệm cận, thậm chí có thời điểm thấp hơn so với thị trường chính thức, có nguyên nhân từ hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là nhập lậu qua biên giới, bớt nóng, do tiêu dùng giảm sút.
Ông Nghĩa nhận định “hàn thử biểu” tỷ giá phần nào thể hiện triển vọng kinh tế vẫn còn khó khăn. Về phía doanh nghiệp, sự suy giảm về nhập khẩu cho thấy nhu cầu nhập khẩu máy móc, công nghệ – hoạt động đầu tư chiều sâu đã giảm mạnh và điều này sẽ tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.
Theo SGTT