Sau khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm để có thể giảm LS cho vay, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo cần đưa LS cho vay về mức 10%/năm.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm để có thể giảm LS cho vay, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo cần đưa LS cho vay về mức 10%/năm.
Lãi suất cho vay hiện đang ở mức 10 - 12% là quá cao. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
Chuyện giảm lãi suất vẫn đang ở đâu đâu
Bà Đặng Quỳnh Đoan - Giám đốc Công ty Việt Thy - cho biết hiện công ty vẫn đang trả lãi suất (LS) vay là 13,7%/năm. Tin tốt đối với bà là phía ngân hàng (NH) vừa có thông báo trong tháng 4 này sẽ xem xét giảm LS cho vay về khoảng 12%/năm.
Tuy nhiên theo bà Đoan, mức LS này vẫn còn rất cao. Bà Đặng Quỳnh Đoan nhận xét: “Trong khi LS đầu vào là 7,5%/năm thì LS đầu ra 12-13%/năm là còn quá cao. Tôi nhớ những năm trước đây khi gửi tiền LS 7%/năm, LS cho vay chỉ có ở mức 9,5%/năm”.
|
Trong khi LS đầu vào là 7,5%/năm thì LS đầu ra 12-13%/năm là còn quá cao. Tôi nhớ những năm trước đây khi gửi tiền LS 7%/năm, LS cho vay chỉ có ở mức 9,5%/năm
Bà Đặng Quỳnh Đoan Giám đốc Công ty Việt Thy
|
|
Ông Vũ Đình Phương - Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty quạt Á Châu - cho biết do công ty đã có hợp đồng tín dụng ký kết lâu dài nên được áp dụng LS vay xoay quanh 12%/năm. Tuy nhiên, với LS được xem là tốt này, công ty cũng chỉ dám vay vốn ngắn hạn chứ không dám vay trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất.
“Muốn cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất thì phải đầu tư trang thiết bị mới, phải sử dụng vốn vay dài hạn. Nhưng DN chỉ có thể vay khi nào LS cho vay giảm xuống dưới 10%/năm. Nếu LS vẫn ở mức trên 12%/năm thì chỉ có từ lỗ đến lỗ mà thôi”, ông Phương nói.
Lãnh đạo một DN dệt may tại TP.HCM cho biết ông đang kẹt với hợp đồng vay dài hạn LS 15,5%/năm. Dù đã nhiều lần đề nghị NH xem xét giảm nhưng vẫn chưa được. Do vậy đối với ông, câu chuyện giảm LS vẫn đang ở đâu đâu thôi.
Không mặn mà vay
LS cho vay của các NH hiện nay đối với những lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao từ 9-12%/năm. LS cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác từ 11 - 15%/năm (ngắn hạn) và 14,6 - 17,5%/năm (trung dài hạn).
Phó TGĐ một NH cổ phần cho rằng nếu tính theo số cơ học, LS huy động giảm 0,5%/năm thì LS cho vay giảm 0,5%/năm. Tuy nhiên khó khăn là với LS huy động 7,5%/năm, NH chưa chắc có thể huy động được vốn. Hiện một số NH vẫn đang còn huy động LS ở mức 9 - 10%/năm (cộng hết các hình thức khuyến mãi khác) nên LS cho vay khó có thể giảm về được mức 10%/năm như nhiều DN kỳ vọng.
Theo TGĐ NH TMCP Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn, LS huy động giảm thì LS cho vay cũng sẽ giảm, nhưng cần có thêm thời gian. ACB hiện đã cho những khách hàng có dòng tiền mạnh vay mới với mức LS 10%/năm. Tuy nhiên, số DN đạt yêu cầu không nhiều.
“Đối với các khoản vay cũ thì LS vay rất khó về được 10%/năm, đặc biệt là những khoản vay quá hạn”, ông Toàn nói. TGĐ NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước chỉ ra một khó khăn khác: “LS huy động và cho vay thời gian qua đã giảm rất nhanh nhưng vấn đề ở đây là DN không vay dù Eximbank đã áp dụng mức LS cho vay về 9 - 10%/năm”.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục điều chỉnh giảm LS để giảm chi phí tài chính cho DN; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ LS để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản.
Ủy ban này đề xuất mức LS huy động giảm về 7%/năm và LS cho vay 10%/năm. Cơ sở của đề xuất này là thanh khoản NH tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng LS có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các DN.
Tuy nhiên, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Biểu hiện là tính đến ngày 21.3, tín dụng trên toàn hệ thống chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với cuối năm 2012.
“Tăng trưởng GDP quý 1/2013 cao hơn cùng kỳ năm trước và lạm phát quý 1/2013 cũng ở mức thấp sẽ là điều kiện để tạo dư địa cho việc giảm LS huy động xuống 7%/năm, LS cho vay xuống 10%/năm”, ủy ban này nhận định.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - cho rằng: “Nếu muốn LS cho vay về mức 10%/năm thì LS huy động phải về 6%/năm. Tuy nhiên việc giảm LS đợt này mang tính ngắn hạn, trong trường hợp lạm phát tăng thì LS có tăng hay không. Trước đây, giảm LS tạo ra một sự hào hứng mới cho thị trường nhưng lần này LS không còn là vấn đề mặn nồng đối với DN mà chỉ là nơi hỗ trợ DN trong hoạt động kinh doanh. Vấn đề của DN hiện nay là vay để làm gì trong khi sức mua kém, hàng tồn kho cao”.
Chỉ tác động đến tâm lý
Sau khi NHNN quyết định giảm LS từ mức 8%/năm xuống 7,5%/năm, NH HSBC Việt Nam nhận định động thái giảm LS phản ánh sự nỗ lực của NHNN nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế.
LS huy động tiền đồng đã giảm từ 9%/năm vào cuối năm 2012 xuống mức 7,5%/năm và nếu còn tiếp tục giảm thì xu hướng chuyển đổi từ tiền đồng sang ngoại tệ sẽ tăng.
HSBC cho biết họ không kỳ vọng một đợt cắt giảm thêm LS nào trong quý 2 năm 2013. NH ANZ thì dự báo đây là lần giảm LS cuối cùng trong năm, tuy nhiên ANZ cũng “thòng” thêm một câu “nhưng cũng không ngoại trừ sẽ có đợt giảm nữa nếu dữ liệu kinh tế xấu hơn”.
|
Thanh Xuân - Mai Phương
Theo TNO