Một số đội bóng V-League đã quyết định đổi tên theo hướng “thân thiện” hơn với khán giả, đó là điều tốt nhưng... người hâm mộ cần thứ bóng đá sạch, cống hiến chứ không chỉ cần một số cái tên “sạch”.
Phản ứng trọng tài là một trong những "căn bệnh" thường thấy của cầu thủ Việt tại V-League. Nguy hiểm hơn khi ra thi đấu quốc tế chúng ta sẽ nhận thẻ oan vì những lỗi không đáng có này. Chưa kể cách vào bóng của nhiều cầu thủ chúng ta khá "vô tư" vì họ nghĩ cùng lắm chỉ nhận...thẻ vàng.
V-League cần thay đổi về chất hơn là chỉ hình thức
HLV Calisto từng bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao ở V-League thì các bạn “được quyền” tranh luận và lớn tiếng với trọng tài và cũng ở V-League, các bạn được dung túng để thực hiện những pha bóng bạo lực hay những hành động trước còi. Điều mà ai cũng biết là hành vi cấm và phải trả giá bằng thẻ phạt và thậm chí là thẻ đỏ”.
Nói đi cũng phải nói lại, chất lượng, cơ chế làm việc của trọng tài nội liệu đã tốt? Trọng tài Hà Anh Chiến, Trần Đình Thịnh hay một số "vua sân cỏ" khác khiến khán giả bức xúc. Nếu trọng tài độc lập (trọng tài ngoại) điều khiển, hầu như các trận đấu tại V-League đều thành công tốt đẹp, cầu thủ hầu như không có phản ứng trước các quyết định (dù đúng hay sai).
Bên cạnh đó, chơi bóng bạo lực vốn là "đặc sản" của V-League cũng rất nguy hiểm khi đội tuyển Việt Nam đi tranh tài. Pha vào bóng của Trọng Hoàng, Đình Luật hay màn trả đũa của Nguyên Mạnh và những cú vào bóng dẫn tới phạt đền của Ngọc Hải tại AFF Cup vừa qua phản chiếu rõ “bộ mặt” giải quốc nội.
Có thể thấy, chừng nào những vấn đề về bạo lực sân cỏ, công tác trọng tài chưa khắc phục thì dù có thay đổi tên đội bóng cũng không thể nâng cao chất lượng bóng đá nội.
theo Công lý